Thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là những động lực chính để Việt Nam bứt phá tăng trưởng trong 3 thập kỷ qua và trở thành điển hình thành công về kinh tế nhờ hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Song, thương mại toàn cầu, đặc biệt là thương mại hàng hóa đã có sự giảm tốc và GVC cũng đang có sự dịch chuyển. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hoạch định hướng đi mới để giảm bớt các rủi ro trước sự thay đổi này.
Ngành may mặc liên tục đổi mới công nghệ, tăng tự động hóa để nâng cao năng suất. Trong ảnh: Máy may thương hiệu ZOJE (Trung Quốc) được Công ty CP May Meko đầu tư.
Những kỷ lục mới
Năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (kể từ năm 2016) với mức thặng dư khoảng 23,75 tỉ USD đã góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Ðây cũng là năm có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024 ước tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 786 tỉ USD, tăng 15,4% so với năm 2023 (tương ứng tăng 105 tỉ USD). Còn theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 13,6% so với năm 2023, với giá trị ước đạt hơn 403 tỉ USD. Sự phục hồi và tăng trưởng cao của kim ngạch xuất khẩu ở mức 2 con số là nhờ sự nỗ lực rất lớn của nhiều ngành và của cộng đồng doanh nghiệp. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều có mức tăng trưởng tốt, nhất là thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, năm 2024 có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD và đây cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 62,7 tỉ USD, tăng trên 18% so với năm 2023. Hay mặt hàng dệt may, trong bối cảnh khó khăn, tổng cầu giảm mạnh, một số chuỗi cung ứng nguyên vật liệu gián đoạn, chi phí tăng,… đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp, nhưng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may ước đạt mốc 44 tỉ USD, tăng 11,26% so với năm 2023. Hoa Kỳ vẫn là thị trường lớn nhất của ngành dệt may, với kim ngạch ước đạt hơn 16,71 tỉ USD (chiếm gần 38%), tăng hơn 12,3% so với năm 2023; kế đến là thị trường Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và ASEAN.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm, việc giữ vững cán cân xuất siêu đã khẳng định sự linh hoạt trong ứng phó với các thách thức của cộng đồng doanh nghiệp khá tốt. Theo ông Trần Chí Gia, Chủ tịch HÐQT Công ty CP May Meko (TP Cần Thơ), năm 2024 ngành may mặc gặp rất nhiều khó khăn, thị trường sụt giảm, giá gia công cũng giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, năm 2024 với nỗ lực giữ vững thị trường truyền thống (Nhật Bản là chủ yếu và một phần xuất sang EU, Hàn Quốc…), May Meko đạt được 1 triệu sản phẩm gia công trong năm 2024, vẫn có lợi nhuận. Ðể đạt được kết quả này, công ty không ngừng tiếp thu công nghệ tự động hóa trong khâu cắt may (tự động hóa khoảng 20%), nâng cao năng lực quản trị để thích ứng tốt với những thay đổi. Tháng 12-2024 vừa qua, May Meko đã trở thành Ðại lý cho thương hiệu máy may ZOJE (Trung Quốc) tại ÐBSCL để tạo thêm nguồn thu cho công ty trong bối cảnh may mặc ngày càng khó khăn.
Nắm bắt cơ hội thương mại mới
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) – Việt Nam 2045 – Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi: Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao của Việt Nam, trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã chuyển mình trở thành một công xưởng xuất khẩu, nhờ thu hút được dòng vốn FDI đáng kể. Khối lượng xuất khẩu tăng vọt trong những năm gần đây do chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái cấu trúc. Tăng từ dưới 4% GDP năm 1988 lên gần 100% vào năm 2023. Tỷ lệ kim ngạch thương mại so GDP của Việt Nam (cả xuất khẩu và nhập khẩu) khoảng 200% GDP đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế mở nhất thế giới. Các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm. Tuy nhiên, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế trong bối cảnh thương mại hàng hóa thay đổi.
Báo cáo của WB cũng nhận định rằng, hàm lượng giá trị gia tăng trong nước của Việt Nam trong hàng xuất khẩu các lĩnh vực chế biến chế tạo không cao, chủ yếu là công đoạn cuối (lắp ráp) nên giá trị gia tăng thấp. Hiện nay, tỷ trọng tổng hàm lượng dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 12% và thậm chí thấp hơn ở mức 7% ở các mặt hàng chế tạo chế biến xuất khẩu. Cấu trúc nền kinh tế kém, xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI. Tuy chỉ chiếm 3% trong tổng số 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam, nhưng doanh nghiệp FDI lại sử dụng một số lượng lớn lao động (khoảng 17,8 triệu lao động), tương đương 35% lực lượng lao động trong khu vực chính thức của quốc gia và chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, lợi ích kinh tế khi hội nhập vào GVC của Việt Nam chưa được phân bố đồng đều trên cả nước. Chỉ khoảng 17% doanh nghiệp trong nước tham gia vào GVC. Lao động tay nghề thấp, hạ tầng cơ sở đầu tư chưa đồng bộ… cũng là những rào cản để Việt Nam hội nhập sâu vào GVC.
Ðể đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, yêu cầu đặt ra là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cao và bền vững trên cơ sở tăng trưởng năng suất và đầu tư. Các chuyên gia WB cũng khuyến cáo trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang thay đổi, Việt Nam cần thực hiện cách tiếp cận đa chiều trong cải cách chính sách tự do hóa thương mại. Cụ thể là cần hạ thấp đáng kể các biện pháp phi thuế quan để tiếp cận mạnh thị trường, đa dạng xuất khẩu và nhập khẩu; thúc đẩy hội nhập sâu chuỗi giá trị trong nước; chuyển từ gia công khâu cuối thâm dụng lao động sang các hoạt động thâm dụng công nghệ và kỹ năng đem lại giá trị cao, mà công nghiệp bán dẫn là ngành Việt Nam đang có lợi thế phát triển cần được tận dụng tối đa các cơ hội để đi vào GVC. Một vấn đề quan trọng nữa là Việt Nam cần đổi mới tư duy giáo dục, đầu tư cho lao động kỹ năng cao; chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng giảm thải carbon, xanh… để góp phần nâng cao vị thế thương mại của Việt Nam.
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/01/Nang-cao-vi-the-thuong-mai-Viet-Nam-trong-chuoi.html