Các hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh của người dân vùng ĐBSCL đã và đang ngày càng chịu nhiều tác động tiêu cực bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và nhiều loại hình thiên tai. Trong điều kiện các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước còn hạn chế, các địa phương vùng ĐBSCL cần quan tâm huy động tốt các nguồn lực xã hội và kịp thời nâng cao năng lực của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai và thích ứng BĐKH để giảm thiểu các thiệt hại.
Thi công xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ biển tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Nhiều loại hình thiên tai
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, hằng năm cung cấp hơn 50% sản lượng lúa gạo cho cả nước và đóng góp hơn 90% lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Những năm qua, vùng cũng đóng góp hơn 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và cung cấp khoảng 70% sản lượng trái cây cho cả nước. Toàn vùng hiện có khoảng 18 triệu dân, trong đó 75% dân số sống chủ yếu dựa vào hoạt động nông nghiệp. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang ngày càng chịu nhiều tác động của BĐKH, nước biển dâng và nhiều yếu tố thời tiết cực đoan. Theo đó, nhiều loại hình thiên tai đã thường xuyên xuất hiện và gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp cùng các hoạt động phát triển sinh kế và ổn định đời sống dân sinh của người dân trong vùng. Đáng chú ý là các loại hình thiên tai như hạn mặn, nắng nóng, mưa lũ và triều cường gây ngập úng, sụp lún đất, sạt lở bờ sông, sạt lở bờ biển, giông lốc, sét… Thời gian qua, thiên tai cũng đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương vùng ĐBSCL, bao gồm cả thiệt hại về tài sản vật chất và cả tính mạng con người. Do vậy, việc chủ động các giải pháp để phòng chống thiên tai là rất cần thiết, nhất là việc nâng cao ý thức và năng lực của các cộng đồng dân cư. Quan tâm thực hiện các giải pháp, các sáng kiến và cách làm hay nhằm huy động và phát huy tốt các nguồn lực tại chỗ, sẵn có ở từng địa phương, từng hộ dân, từng tổ chức và cá nhân để ứng phó hiệu quả với thiên tai và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, thời gian qua hạn mặn đã khiến nhiều hộ dân tại vùng ĐBSCL bị thiếu nước sinh hoạt, đồng thời khiến nhiều diện tích trồng lúa bị thiệt hại và giảm năng suất. Đơn cử, mùa khô năm 2023-2024 có khoảng 73.900 hộ dân tại các tỉnh Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau bị thiếu nước sinh hoạt, có 1.189ha lúa bị giảm năng suất và 43ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng… Về sạt lở bờ sông, ĐBSCL đã có tổng cộng 686 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 591,3km và sạt lở bờ biển 57 vị trí sạt lở, với tổng chiều dài khoảng 233,6km..
Cần các giải pháp đồng bộ
Dự báo diễn biến thiên tai vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới phức tạp hơn, khó lường hơn do BĐKH và các tác động từ khai thác tài nguyên ở thượng nguồn sông Mekong và các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trong vùng, từ đó gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất và dân sinh trong vùng. Theo ông Trần Duy Anh, Phó Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, bên cạnh phát triển hạ tầng, các giải pháp phi công trình là giải pháp quan trọng để giảm thiểu rủi ro thiên tai. Đồng thời, cải thiện khả năng dự báo và ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan như sạt lở, mưa lớn. Hiện nước ta đã có các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tương đối toàn diện, đồng bộ về phòng, chống thiên tai gắn với thích ứng BĐKH trong giai đoạn 2021-2030. Các cơ sở hạ tầng, thủy lợi tại vùng ĐBSCL cũng từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, trong những năm cực đoan về hạn mặn, ngập lụt… vẫn còn bộc lộ nhiều rủi ro, đòi hỏi phải hoàn thiện hơn và đồng bộ cùng các giải pháp “mềm” phi công trình.
Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai vùng ĐBSCL” theo hình thức trực tiếp tại TP Cần Thơ và được kết nối trực tuyến với các điểm cầu tại nhiều địa phương. Tại diễn đàn này, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng, chống thiên tai tại vùng ĐBSCL, tới đây các cấp, các ngành chức năng ở Trung ương và địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức và hành động của người dân và các bên có liên quan. Tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tình hình thời tiết và các loại hình thiên tai để giúp người dân chủ động ứng phó. Quan tâm tăng nguồn lực đầu tư cho vùng ĐBSCL, tạo điều kiện để các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về công trình và giải pháp phi công trình nhằm ứng phó hiệu quả với các loại hình thiên tai. Hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn để đầu tư các công trình, dự án có quy mô cấp nông hộ nhằm chủ động trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tham gia các loại hình bảo hiểm về thiên tai và bảo hiểm trong nông nghiệp… Ông Phạm Thanh Hải, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Sạt lở, sụp lún đất đã xảy ra khá nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, với 77 vị trí sạt lở bờ sông và 6 vị trí sạt lở bờ biển. Chi phí để đầu tư cho các công trình chống sạt lở là rất lớn, nhất là chi phí giải phóng mặt bằng và tỉnh phải xin kinh phí từ Trung ương. Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho việc đầu tư chống sạt lở, rất cần phải nghiên cứu thực hiện các mô hình giải pháp và công trình chống sạt lở có kết cấu phù hợp giúp người dân có thể tái định cư tại chỗ mà không phải di dời”. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, việc nâng cao năng lực của cộng đồng và huy động các nguồn lực xã hội để phòng, chống thiên tai là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện các nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế. Thực tế cho thấy, với tác động của BĐKH và nước biển dâng, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đã xảy ra rất nhiều nơi tại Cà Mau, nhất là tỉnh có tổng chiều dài bờ biển lên đến 188km. Để giảm thiểu các thiệt hại và tránh bị mất đất, mất rừng do sạt lở, tỉnh đã quan tâm huy động người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các công trình bảo vệ bờ biển, bờ sông giúp phát huy nhiều hiệu quả tốt.
Để giúp người dân giảm thiểu tác động và rủi ro do thiên tai, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị các cấp thẩm quyền quan tâm hỗ trợ người dân trong tiếp cận vốn để đầu tư các công trình, dự án có quy mô cấp nông hộ nhằm chủ động trữ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và các hoạt động dân sinh. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân tham gia các loại hình bảo hiểm về thiên tai và bảo hiểm trong nông nghiệp.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/Nang-cao-nang-luc-cong-dong-phong-chong-thien-tai.html