Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ chú trọng việc gắn kết 3 bên, gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp – doanh nghiệp (DN) – trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL). Qua đó, giúp người lao động (NLÐ) tiếp cận, nắm bắt cơ hội việc làm phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu DN, xã hội.
Công nhân Công ty Cổ phần May Meko tập trung sản xuất.
Ổn định nguồn lao động
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, không khí lao động trong các phân xưởng tại Công ty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ, phường Phú Thứ, quận Cái Răng rất khẩn trương. Công nhân tập trung làm việc trên các hệ thống thiết bị, máy móc hiện đại nhịp nhàng, đảm bảo tiến độ sản xuất. Ðại diện Công ty cho biết, Công ty chủ yếu sản xuất đế và mũ giày thể thao, giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng từng công đoạn từ khâu sản xuất đến khâu thành phẩm nên yêu cầu lực lượng công nhân phải chú trọng kỹ thuật, không để lỗi sản phẩm. Hiện Công ty có trên 16.500 lao động, phân bổ trong các phân xưởng theo vị trí, công việc phù hợp. Mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Công ty thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách cho NLÐ, như bảo hộ lao động, khám sức khỏe, bữa ăn, tiền lương, phúc lợi, đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng… Dịp Tết này, Công ty thưởng mỗi NLÐ 1,5 tháng lương, cùng phần quà gồm gạo và nhu yếu phẩm. Chị Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng Phòng tuyển dụng, cho biết: “Các năm qua, để đảm bảo lực lượng công nhân trực tiếp sản xuất, Công ty thường xuyên tham gia các sự kiện giao dịch giới thiệu việc làm và ủy thác tuyển dụng các vị trí tại Trung tâm DVVL thành phố. Hầu hết nguồn lao động qua sơ tuyển, phù hợp yêu cầu của Công ty”.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Pataya Việt Nam, khu công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, thưởng 1 tháng lương cho NLÐ. Hiện Công ty có trên 400 công nhân trực tiếp chế biến, đóng hộp thủy hải sản xuất khẩu. Lúc cao điểm, Công ty tổ chức tăng ca và tuyển lao động thời vụ. Thời gian tới, Công ty phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các địa phương và đơn vị chức năng để tuyển dụng, kịp thời bổ sung nguồn lao động phục vụ sản xuất.
Theo ông Tô Văn An, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Meko, khu công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, Công ty có trên 1.200 lao động trực tiếp sản xuất. Công ty đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định, chú trọng cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo sức khỏe, đời sống NLÐ. Chị Ðào Tuyết Nhung, công nhân xưởng may, nói: “Tôi làm công nhân ở Công ty hơn 8 năm với mức thu nhập theo sản phẩm, đảm bảo cuộc sống gia đình. Không khí làm việc rất phù hợp, thoải mái nên tôi mong muốn được gắn bó, làm việc lâu dài”.
Tăng cường hiệu quả liên kết 3 bên
Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố quan tâm nâng cao hiệu quả liên kết 3 bên trong đào tạo, giới thiệu việc làm cho NLÐ. Sở tổ chức các sự kiện hội thảo, tọa đàm, tạo sự đồng thuận của DN, nhà trường trong thực hiện liên kết. Năm 2024, Trung tâm DVVL thành phố phối hợp các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm (GDVL). Qua đó, thu hút 5.740 lượt nhà tuyển dụng tham gia trực tiếp và trực tuyến, với khoảng 318.151 vị trí. Nổi bật có 20 ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng; 32 điểm tư vấn việc làm tại các xã, phường, thị trấn; 7 ngày hội việc làm tại các trường, 4 phiên GDVL trực tuyến… Ðồng thời, lồng ghép sơ tuyển hồ sơ ứng viên các vị trí việc làm tốt theo nhu cầu DN. Trung tâm đa dạng hóa hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến; các kênh Cổng thông tin việc làm, zalo, facebook, youtube và tiktok. Qua đó, thu hút hơn 25 triệu lượt truy cập và hàng trăm ngàn lượt tương tác trên mạng xã hội, giảm thiểu chi phí và đảm bảo thông tin nhanh chóng đến DN và NLÐ. Ðể phát huy hiệu quả liên kết 3 bên, hằng tháng, Trung tâm gởi các trường thông tin tuyển dụng việc làm; báo cáo tình hình tuyển lao động của DN và kết quả kết nối việc làm; báo cáo phân tích thị trường lao động Cần Thơ và dự báo nhu cầu nhân lực; thông tin các sự kiện GDVL thu hút học sinh, sinh viên, NLÐ tham gia… Với vai trò “cầu nối”, năm 2024, Trung tâm DVVL thành phố cung ứng 1.859 lượt lao động trong nước; thông tin người tìm việc 9.952 lượt, việc làm trống 15.181 lượt…
Việc gắn kết với DN, Trung tâm DVVL thành phố giúp các trường kịp thời đổi mới chương trình, đa dạng hóa phương thức đào tạo; đẩy mạnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu tuyển dụng; khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo tại DN; hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các trường phù hợp công nghệ sản xuất của DN. Các trường đưa học sinh, sinh viên năm cuối thực tập tại DN để rèn kỹ năng nghề nghiệp, tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm hỗ trợ việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Ðồng thời, chủ động kết nối, giao lưu các DN hợp tác tốt với nhà trường trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên…
Thời gian tới, các ngành chức năng thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm và tuyển dụng, sử dụng lao động; triển khai các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, kết nối thông tin cung – cầu lao động; phối hợp DN từ khâu tuyển sinh, đào tạo và bố trí việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp. Qua đó, nâng chất và phát huy tối đa lợi thế việc liên kết 3 bên, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/01/Nang-cao-hieu-qua-lien-ket-trong-giai-quyet-viec.html