Bằng đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, những người phụ nữ ở tỉnh Hậu Giang đã thổi hồn vào các chất liệu tự nhiên, quen thuộc như tre, trúc thành những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, độc đáo với kích thước nhỏ, thu hút sự yêu thích của du khách trong và ngoài nước.
Để đa dạng hóa sản phẩm và phân khúc thị trường, nhiều người đã nghĩ ra cách thu nhỏ sản phẩm.
Miền Tây là nơi hội tụ nhiều làng nghề truyền thống lâu đời. Trong số đó, nghề làm đồ mỹ nghệ từ tre trúc được xem như một nét văn hóa đặc sắc, thể hiện rõ tinh thần lao động sáng tạo và sự gắn bó của con người với thiên nhiên. Những sản phẩm từ tre trúc không chỉ mang vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc. Từ những chiếc cần xé kích thước lớn đến các mô hình thu nhỏ như ghe, xuồng, cần xé… Tất cả đều được chế tác tỉ mỉ, phản ánh cuộc sống và cảnh sắc miền sông nước.
Những ngày đầu năm 2025, tại làng nghề đan đát trăm năm tuổi tọa lạc ở khu vực 6, phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) vô cùng nhộn nhịp, mọi người cùng nhau làm ra số lượng lớn sản phẩm cung ứng cho thị trường Tết. Bà Nguyễn Thị Tú Anh (55 tuổi), có thâm niên hơn 30 năm trong nghề đan cần xé và là một trong số ít người đã sáng tạo đồ mỹ nghệ kích thước nhỏ. Các sản phẩm như cần xé nhỏ, mô hình chiếc thuyền tam bản (ba lá), quang gánh, ly, giỏ xách, đế lót nồi… do bà làm ra đều được các cửa hàng lưu niệm, khách du lịch ưa chuộng. “Trước kia, hầu hết trong xóm bà con chủ yếu làm ra các sản phẩm truyền thống như cần xé để đựng rau củ. Về sau, để đa dạng sản phẩm và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, những người trong làng nghề đã sáng tạo ra những sản phẩm mới với kích thước nhỏ, dễ dàng cầm nắm trong lòng bàn tay để bán cho khách du lịch về trưng”, bà Tú Anh nói.
Thông thường, mỗi chiếc cần xé thành phẩm trải qua khoảng 6 công đoạn như dập mê, lên góc, cấu miệng, léo miệng, vô quai, ghim đáy… Tuy nhiên, để thu nhỏ sản phẩm thì vô cùng kỳ công, phải mất thời gian nhiều hơn vì cần sự tỉ mỉ, từ việc chẻ tre, chuốt trúc kỳ công hơn. Ðến khi đan đát xong, phải phủ sơn chống mốc, trang trí họa tiết cho sinh động mới hấp dẫn được du khách. Hiện những mẫu cần xé thu nhỏ và ghe chiếu Cà Mau có phần mui là bán chạy nhất. Do không đủ thời gian và người làm nên mỗi tháng bà Tú Anh chỉ xuất bán được vài chục chiếc, một số mặt hàng khách phải đặt trước mới kịp gia công. Chính sự kỳ công, tỉ mẩn và tốn nhiều thời gian mới hoàn thành một sản phẩm nên ít người làm. Với mỗi chiếc cần xé to được đan trong 2 ngày, giá bán từ vài chục ngàn đồng đến hơn 100.000 đồng/chiếc. Riêng các sản phẩm tí hon được bà Tú Anh bán với giá từ 30.000-300.000 đồng, nhưng so với cần xé thông thường các mặt hàng này có sức tiêu thụ rất tốt. Nhờ đó, đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình. Nhất là vào dịp Tết, khi sản phẩm cần xé từ lớn đến nhỏ đều “bán đắt như tôm tươi”.
Bà Hồ Thị Ngọc Duyên (45 tuổi) cho biết, quy trình đan cần xé có nhiều bước, ai đan phần nào sẽ lãnh tiền công theo công đoạn từ vài ngàn đồng đến 15.000 đồng/cái. “Người đan cần xé ở xóm đa số là phụ nữ nội trợ, làm nông, thời gian rảnh, không ra đồng thì ở nhà đan cần xé kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Như tôi, mỗi ngày đan được mười mấy cái, kiếm trên 100.000 đồng”, bà Duyên nói thêm.
Nhờ sự sáng tạo không ngừng của những người thợ thủ công đã giúp các sản phẩm mỹ nghệ từ tre trúc ngày càng đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, phù hợp với thị hiếu của khách hàng hiện đại. Nhiều du khách khi đến miền Tây đều bị cuốn hút bởi những món đồ nhỏ xinh, tinh tế, và không ngần ngại mang chúng về làm quà lưu niệm. Ông Bùi Tấn Lộc, Bí thư, Trưởng khu vực 6, phường Ngã Bảy, TP Ngã Bảy, cho biết: Làng nghề cần xé giờ còn khoảng 50 hộ tham gia với hơn 200 lao động. Hằng năm, làng nghề thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đặc biệt là khách du lịch các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italia… “Ðể bám trụ nghề, người dân cũng thay đổi tư duy sản xuất, trong đó có 2 hộ kết hợp đan đát đồ mỹ nghệ từ tre, trúc với kích thước nhỏ, mặt hàng này khá được du khách ưa chuộng vì nhỏ gọn, họ thường mua làm quà lưu niệm. Nhờ vậy, sản phẩm bà con có đầu ra ổn định, thu nhập khấm khá hơn, cũng như giữ được danh tiếng xóm cần xé này”, ông Lộc nói.
Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/02/Lang-nghe-doc-dao-Bao-Can-Tho-Online.html