Nghệ thuật làm gốm của đồng bào Chăm được UNESCO ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào tháng 11-2022. Làng gốm Chăm Bình Đức (thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình) là làng gốm thủ công quý hiếm hiện nay ở Bình Thuận. Nơi đây không chỉ gìn giữ nghề độc đáo, mà còn là điểm đến thu hút nhiều du khách.
Du khách xem trình diễn làm gốm Chăm.
Làng gốm Chăm Bình Đức còn có tên gọi quen thuộc khác là làng Gốm Gọ. Sản phẩm của làng gốm rất thông dụng, thường là những dụng cụ sử dụng trong đời sống sinh hoạt như: khuôn bánh căn, lu đựng nước, đựng gạo, khuôn bánh xèo, chum, nồi nêu, mâm, bình… Các sản phẩm được tạo tác thủ công với kỹ thuật độc đáo, gọi là “kỹ thuật đánh tròn”. Theo các chuyên gia nghiên cứu về gốm, “kỹ thuật đánh tròn” có từ thời Đồ đá mới, hiện còn lưu giữ ở 10 nước trên thế giới. Ông Lâm Hùng Sổi, nghệ nhân nam duy nhất của làng gốm Bình Đức, cho biết: “Nghề gốm Chăm do phụ nữ làm vì theo chế độ mẫu hệ mẹ truyền con nối. Quá trình phụ mẹ và vợ làm gốm, tôi cũng học làm theo vì muốn duy trì nghề truyền thống. Ngày nay người ta ít làm lắm vì nghề gốm cực, nhiều công đoạn”.
Để có đất làm gốm, người nghệ nhân phải đến mỏ đất cách đó vài cây số, vì đất tại đây là đất sét có màu vàng nhạt, mịn lại dẻo, ít pha tạp sỏi. Đất mang về chỉ cần xử lý vài công đoạn đơn giản là có thể sử dụng làm gốm. Việc tạo hình cho sản phẩm được giữ nguyên từ xưa đến nay. Công cụ để tạo hình là cái bàn quay có hình dáng chiếc bàn tròn nhỏ đóng cố định, nghệ nhân đi vòng quanh cái bàn để tạo hình sản phẩm. Đôi bàn tay sẽ nhào nặn để tạo dáng gốm cơ bản. Tiếp đó, nghệ nhân dùng chiếc vòng tre vót mỏng vuốt lên mặt ngoài sản phẩm để tạo độ láng, dùng vải thô đã thấm nước bẻ miệng và vuốt cho miệng gốm được tròn đều. Gốm thô khi thành hình sẽ được chà láng bằng chiếc vòng làm bằng cây duối, sau đó sẽ dùng vỏ nghêu để nạo bên trong thân và đáy sản phẩm một lần nữa để kiểm tra độ đều đặn và cân đối của sản phẩm. Sau cùng là quét lớp nước thổ hoàng lên thân gốm rồi cất ở nơi thoáng mát và dùng bọc nilon đậy kín. Mục đích là để xương gốm không bị gió làm cho hanh khô, nếu không khi nung sẽ bị nứt bể. Sản phẩm khi đã đủ độ khô ráo cần thiết, nghệ nhân dùng viên đá mài chà lên thân sản phẩm một lần nữa trước khi mang đi nung.
Nung gốm cũng là một công đoạn đặc biệt, thể hiện tính cộng đồng vì nhiều hộ gia đình sẽ cùng nhau nung sản phẩm. Gốm thường nung lộ thiên ở bãi đất trống, thời điểm từ 10-12 giờ trưa khi trời nắng hanh, độ gió phù hợp. Gốm và củi được sắp thành hàng ngang vuông góc với hướng gió thổi. Dưới đáy lò thường kê gạch, đá hoặc gốm vỡ, bên trên là các lớp gốm được xếp xen kẽ với củi để đảm bảo độ thông thoáng. Gốm khi nung xong sẽ được vẩy lên một nước màu nâu đen, chiết xuất từ trái thị rừng hoặc vỏ cây chùm dụ để tạo hoa văn tự nhiên.
Chị Lâm Đặng Bảo Thi, nhân viên tại Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm – Bình Thuận, cho biết: “Nghề gốm của người Chăm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2012. Trước đây làng gốm có hơn 150 hộ làm gốm nhưng ngày nay còn vài chục hộ. Gốm Chăm ngày nay cũng đa dạng mẫu mã hơn. Chúng tôi cũng kết nối với các nghệ nhân tổ chức những chương trình trải nghiệm làm gốm, tìm hiểu văn hóa Chăm dành cho du khách”. Nghệ nhân Lâm Hùng Sổi chia sẻ: “Gia đình tôi làm nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu người yêu thích gốm. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên đi trình diễn ở các chương trình với mong muốn kết nối, giới thiệu nép đẹp của làng gốm. Tại cơ sở của gia đình thì cũng thường xuyên đón các đoàn khách hay các cháu sinh viên để tìm hiểu về làng gốm”.
Làng gốm Chăm Bình Đức có vị trí địa lý không thuận lợi như Làng gốm Chăm Bàu Trúc của Ninh Thuận, thêm vào đó hoạt động của làng gốm Bình Đức cũng chưa thật sự gắn với du lịch. Tuy nhiên, đây là điểm đến được quan tâm vì vẫn giữ nét nguyên sơ và có nhiều nghệ nhân tài hoa.