Theo lời kể của những người dân có thâm niên trồng khóm Cầu Đúc ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), khóm Cầu Đúc xuất hiện trên vùng đất này cách đây trên 100 năm. Với nền đất nhiễm phèn, mặn nặng nhưng khóm Cầu Đúc sinh trưởng, phát triển tốt lại mang hương vị đặc trưng, làm nên thương hiệu khóm Cầu Đúc trứ danh.
Hậu Giang hiện có khoảng 3.000ha trồng khóm, tập trung tại TP Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Riêng TP Vị Thanh trồng khoảng 2.700ha với giống khóm Queen và đã xây dựng thành công thương hiệu khóm Cầu Đúc.
Khóm Cầu Đúc có ưu điểm ít xơ, thịt màu vàng ươm, vị ngọt thanh, ăn ít bị “tưa lưỡi”. Cũng bởi hương vị đặc trưng, khóm Cầu Đúc trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước.
Khóm Cầu Đúc thường được trồng vào đầu mùa mưa, sau một năm cây cho thu hoạch, trọng lượng trung bình từ 1-2 kg/trái.
Trung bình 1ha khóm cho năng suất 20 tấn, với giá bán dao động 5.000-13.000 đồng/trái, trừ chi phí người trồng lãi khoảng 100-150 triệu đồng/ha.
Để nguồn cung không bị gián đoạn, tránh tình trạng thu hoạch “đông ken” làm khóm rớt giá, các hộ trồng khóm áp dụng biện pháp xử lý cho cây ra trái quanh năm.
Những chiếc xuồng chở đầy ắp khóm len lỏi giữa những mương nước là hình ảnh quen thuộc trong các vụ thu hoạch khóm.
Khóm Cầu Đúc không chỉ được ăn tươi mà còn được người trồng khóm, doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến thành nhiều sản phẩm giá trị gia tăng như rượu khóm, mứt khóm, nước màu khóm…
MỸ THANH