Quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các huyện, xã của thành phố đều xác định hoàn thành nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế – xã hội có vai trò quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chính vì vậy, ngoài việc tận dụng linh hoạt nguồn ngân sách nhà nước, các địa phương tiếp tục phát huy nội lực, kết hợp vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp để hoàn thành nhóm tiêu chí này.
Một tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư khang trang tại xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh.
Cải thiện không ngừng
Trong Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, NTM nâng cao nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế – xã hội gồm các tiêu chí: giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư.
Theo Văn phòng điều phối Xây dựng NTM TP Cần Thơ, qua hơn 14 năm triển khai xây dựng NTM trên diện rộng, nhìn chung hệ thống giao thông nông thôn từng bước được xây dựng hoàn chỉnh, được nhựa hóa và bê tông hóa tạo kết nối liên hoàn với nhau, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm đối với các trục đường xã, đường từ trung tâm xã đến huyện. Hệ thống kênh mương, thủy lợi hằng năm được đầu tư nạo vét kiên cố hóa đạt chuẩn phục vụ tưới, tiêu nước trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo đồng bộ, kịp thời và hiệu quả. Hiện nay, 100% số xã được phủ lưới cấp điện từ nguồn lưới điện quốc gia; thường xuyên được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đảm bảo nguồn cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Về thông tin và truyền thông, công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống máy vi tính phục vụ cho hoạt động hành chính, dịch vụ công trực tuyến được kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao nhằm đáp ứng công tác nghiệp vụ, quản lý và điều hành trên môi trường số…
Tại các xã, việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội được xem là “đòn bẩy” trong xây dựng NTM. Bà Nguyễn Thị Mỹ Ái, Chủ tịch UBND xã Nhơn Ái, huyện Phong Ðiền, chia sẻ: Xã Nhơn Ái xây dựng NTM kiểu mẫu với hình mẫu về “giao thông nông thôn gắn với xây dựng cảnh quan môi trường”. Vì vậy, xã tập trung xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường như tuyến kênh chợ – Rạch Miễu, tuyến Mương Ðiều (bên trái), tuyến Rạch Nớp (bên trái và bên phải), tuyến Mương Ngang (bên trái và bên phải), chiều dài hơn 20km thuộc ấp Nhơn Thọ 1A, Nhơn Thọ 2A, Nhơn Bình, Nhơn Phú và ấp Nhơn Bình A. Cùng với đó, xây dựng cảnh quan môi trường, các tuyến đường xanh, sạch đẹp, an toàn trên tuyến đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái và tuyến tỉnh lộ 926. Qua đó, các hội đoàn thể xã và các ấp đăng ký công trình và thực hiện trồng giặm, bổ sung thêm hoa quỳnh anh với tổng chiều dài 21km.
Ưu tiên phục vụ sản xuất, dân sinh
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song thực tế cho thấy, quá trình thực hiện nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế – xã hội cần có vốn đầu tư lớn. Một số tiêu chí như trường học, xóa nhà tạm… phải thực hiện từng bước và lâu dài. Vì vậy, mỗi xã cần cân nhắc trong việc chọn công trình nào thực sự cần thiết ưu tiên đầu tư trước gắn với việc thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa. Ông Ðặng Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Xã tận dụng tối đa các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, mời gọi các nhà tài trợ trong và ngoài địa phương hỗ trợ vốn để xây dựng các tuyến đường, cầu liên ấp góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ phục vụ sản xuất, dân sinh. Ðồng thời, rà soát, lập danh sách các tuyến kênh, rạch có nhu cầu nạo vét hằng năm để có kế hoạch nạo vét, nâng cấp đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, sản xuất, sinh hoạt quanh năm cho người dân cũng như đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai tại địa phương”.
Theo phản ánh của các xã, việc triển khai thực hiện tiêu chí hạ tầng kinh tế – xã hội này đòi hỏi sự khéo léo, tâm lý từ chính quyền địa phương vì đa phần ảnh hưởng đến đất đai, quyền lợi trực tiếp của nhiều người dân. Bà Nguyễn Thị Mỹ Ái, cho biết: Ðịa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, hoa màu và vật kiến trúc; nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn từ 2m lên 4m tuyến Mương Củi, chiều dài 1,3km, thuộc ấp Nhơn Bình và tuyến vàm Ông Huyện – vàm Chữ Nhật, chiều dài 2,2km, thuộc ấp Nhơn Bình và ấp Nhơn Bình A. Tăng cường trồng cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường của xã, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện thu gom, phân loại rác sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại tại nguồn; xử lý rác sinh hoạt bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả, đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt trên các tuyến đường trên địa bàn.
Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng NTM TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Ðối với công cuộc xây dựng NTM hiện nay, phát huy nội lực vẫn là giải pháp mang tính sống còn. Lẽ đó, các xã cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động vốn trong dân, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia thực hiện trên địa bàn nhằm đa dạng hóa nguồn lực xây dựng NTM… Và để làm được điều này, công tác tuyên truyền xây dựng NTM phải được đặt lên hàng đầu, bám sát phương châm “dễ hiểu, dễ thấy, dễ làm và dễ đóng góp”. Về phía thành phố, tiếp tục hỗ trợ cấp huyện, xã xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn như đầu tư phát triển mạng lưới giao thông nông thôn, cơ sở vật chất trường học; củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở; nâng cấp và xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất văn hóa gắn với hoàn thiện tổ chức, đào tạo cán bộ, chính sách chế độ và nâng cao trình độ nghiệp vụ để nâng cao chất lượng hoạt động.
Bài, ảnh: MỸ THANH
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/02/Huy-dong-nguon-luc-hoan-thien-ha-tang-kinh-te.html