Từ ngày 22 đến 24-11 tại Sóc Trăng, Trường đại học Cần Thơ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tổ chức tập huấn kiến thức cho trên 50 học viên đại diện hợp tác xã và nông hộ nuôi tôm đến từ các tỉnh miền Tây để trở thành người nuôi tôm chuyên nghiệp.
PGS.TS Trần Ngọc Hải – phó hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ – cho biết trong 3 ngày tập huấn, các giảng viên trường chuyển tải các nội dung chính, bao gồm những vấn đề về nguyên lý nuôi tôm công nghệ cao, các vấn đề môi trường, dinh dưỡng và sức khỏe tôm; nghiên cứu các vấn đề về năng lượng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, du lịch sinh thái nông nghiệp và thủy sản; nguyên lý thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, việc tập huấn kỹ thuật nuôi tôm được đơn vị thực hiện thường xuyên và liên tục, nhưng đây là lần đầu nông dân nuôi tôm ở miền Tây được trang bị kiến thức chuyên sâu để trở thành người nuôi tôm chuyên nghiệp.
Bà Bình cho biết diện tích nuôi tôm của Sóc Trăng không lớn, chỉ khoảng 50.000ha, nhưng nhờ đầu tư nuôi thâm canh, ứng dụng công nghệ cao nên đạt sản lượng khá cao, trên 200.000 tấn/năm.
“Năng suất đạt, nguồn tôm nguyên liệu ổn định góp phần giúp các nhà máy chế biến chủ động hơn. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm nay của Sóc Trăng tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD, chiếm khoảng 25% kim ngạch của cả nước”, bà Bình thông tin.
Theo bà Bình, việc chuyên nghiệp hóa cho người nuôi tôm ở Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung sẽ giúp bà con có thêm kinh nghiệm sát với thực tiễn, phù hợp trong bối cảnh mới.
“Khi được chuyên nghiệp hóa sẽ giúp người dân nâng cao năng lực, góp phần xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển nghề nuôi tôm. Khi đó kim ngạch xuất khẩu tôm có thể đạt tới con số cao hơn, chứ không phải dừng lại ở 4 tỉ USD như hiện nay”, bà Bình cho biết.