Sản xuất lúa gạo tại TP Cần Thơ chuyển đổi mạnh mẽ từ tập quán canh tác truyền thống sang phương thức canh tác hiện đại gắn với mô hình trồng lúa chất lượng cao (CLC) và phát thải thấp (PTT). Với sự chung tay hỗ trợ từ ngành chức năng, cùng sự đồng tâm hợp lực của nông dân, doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết bền chặt khẳng định hiệu quả và “lan tỏa” ra khắp các địa phương trồng lúa chủ lực của thành phố.
Các đại biểu quốc tế đến tham quan mô hình sản xuất lúa CLC và PTT tại HTX Tiến Thuận.
Chuyển phương thức canh tác
Chúng tôi đi thăm cánh đồng phủ màu xanh mượt của lúa non, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Thuận ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, phấn khởi nói: “Ðây là vụ lúa thứ 3 nông dân HTX thực hiện mô hình thí điểm canh tác lúa CLC, PTT. Vụ đông xuân 2024-2025, nông dân tham gia mô hình sạ giống lúa CLC OM 5451 và được doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và quy trình kỹ thuật canh tác lúa CLC và PTT, tôi rất tin tưởng vụ này lúa tiếp tục trúng mùa”. Nông dân HTX Tiến Thuận đã áp dụng cơ giới khâu gieo sạ chính xác kết hợp với bón vùi phân bón để giảm mạnh lượng giống sử dụng, phân bón và tiết kiệm nhân công. Ðồng thời, được ngành chức năng và các doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ áp dụng nhiều loại máy móc và công nghệ hiện đại trong quá trình làm đất, chăm sóc, thu hoạch lúa. Thực hiện quản lý nước tưới ngập khô xen kẽ, thu gom rơm ra khỏi đồng, khai thác sử dụng theo hướng tuần hoàn nhằm giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cần Thơ là địa phương đầu tiên tại vùng ÐBSCL đã phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai thực hiện mô hình thí điểm triển khai Ðề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa CLC và PTT gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Ðề án 1 triệu héc-ta
lúa CLC). Mô hình thực hiện với diện tích 50ha tại HTX Tiến Thuận ở huyện Vĩnh Thạnh từ vụ hè thu 2024 đã khẳng định hiệu quả, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho nông dân so với ngoài mô hình, đồng thời giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Qua 2 vụ lúa triển khai tại mô hình thí điểm 50ha tại huyện Vĩnh Thạnh đã mang lại kết quả rất khả quan. Mô hình giảm giống, giảm chi phí sản xuất, giảm khí phát thải, trong khi năng suất, chất lượng, giá bán lúa và lợi nhuận tăng. So với canh tác theo phương thức truyền thống, nông dân trong mô hình giảm tới 50% lượng giống sử dụng, giảm phân bón 20-30%, giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và năng suất lúa tăng ít nhất 7% và nông dân cũng có thêm thu nhập từ việc khai thác rơm. Nông dân nâng cao được lợi nhuận từ 1,3-6,5 triệu đồng/ha”.
Từ vụ hè thu 2024, nông dân HTX New Green Farm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt cũng được ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ phối hợp cùng các đơn vị có liên quan hỗ trợ thực hiện mô hình canh tác lúa CLC và PTT. Mô hình này đồng hành “hưởng ứng” thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC. Cùng với việc trồng lúa theo hướng CLC và PTT, nông dân HTX liên kết với doanh nghiệp và các bên có liên quan để áp dụng các máy móc, công nghệ mới nhằm phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn. Theo ông Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc HTX New Green Farm, rơm đã được nông dân HTX sử dụng trồng nấm rơm tạo thêm nguồn thu nhập, giá thể rơm được thải ra sau thu hoạch nấm tiếp tục được tái sử dụng làm phân bón hữu cơ để bón cho lúa và các loại cây trồng.
Lan tỏa mô hình hiệu quả
Vụ lúa đông xuân 2024-2025, TP Cần Thơ nhân rộng diện tích thực hiện mô hình canh tác lúa CLC và PTT lên 170ha. Ðây là các mô hình triển khai thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC trên địa bàn thành phố. Cần Thơ phấn đấu đến cuối năm 2025, xây dựng được vùng sản xuất lúa CLC và PTT với quy mô diện tích 38.000ha, đến năm 2030 đạt 48.000ha và có sự tham gia của 26 xã, 56 HTX, 51.000 hộ dân. Nói về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Ðây là đề án rất lớn, đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa CLC và PTT do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo. Ðề án đã được nhiều nước và tổ chức quốc tế quan tâm, còn ở trong nước thì cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai thực hiện. Tổ chức lại sản xuất nhằm làm thay đổi tư duy của người nông dân, giúp sản xuất kinh doanh lúa gạo một cách có hiệu quả và bền vững…”.
Thu hoạch lúa và thu gom rơm bằng máy tại mô hình sản xuất lúa CLC và PTT tại HTX Tiến Thuận.
Cần Thơ xác định vùng triển khai Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC tập trung tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố gồm: Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ và Thới Lai. Trong đó, huyện Vĩnh Thạnh tham gia với diện tích 19.000ha, Cờ Ðỏ 17.500ha và Thới Lai 11.500ha. Hưởng ứng thực hiện Ðề án, nhiều doanh nghiệp, HTX và nông dân đã “hào hứng” vào cuộc cùng với các cấp chính quyền tại thành phố nhân rộng mô hình thực hiện trồng lúa CLC và PTT.
Anh Dương Văn Siêu, Phó Giám đốc HTX Thuận Thắng ở huyện Thới Lai, cho biết: “Từ vụ đông xuân 2024-2025, nông dân HTX bắt đầu triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa CLC và PTT với tâm thế rất phấn khởi và vững tin hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Bởi thực hiện sản xuất lúa theo mô hình không chỉ giúp cho nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống mà còn góp phần phát triển sản xuất bền vững, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, hưởng ứng thực hiện đề án trên địa bàn TP Cần Thơ, Công ty đăng ký tham gia liên kết cùng với nông dân và các HTX để xây dựng vùng sản xuất lúa CLC và PTT đạt diện tích 15.000ha. Công ty quyết tâm nỗ lực hết mình để xây dựng liên kết bền chặt theo chuỗi và rất mong sự đồng hành, phối hợp tốt từ các cấp chính quyền tại địa phương, từ các HTX, hộ nông dân và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan. Ðề án 1 triệu héc-ta lúa CLC là đề án mang rất nhiều tiêu chí để nâng cao chất lượng, giá trị, thương hiệu gạo và còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ðề án đang được triển khai thực hiện rất nhanh và rất quyết liệt. Nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia trên thế giới cũng rất đồng tình, ủng hộ đề án bởi nó mang lại tính hiệu quả rất cao, không chỉ riêng cho Việt Nam mà cho cả thế giới.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/02/Hop-luc-trong-lua-kieu-moi.html