Hội nghị Xúc tiến đầu tư – thương mại tại TP. Cần Thơ, do Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ (CPA) tổ chức nhằm trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực giữa TP. Cần Thơ, TP. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, hội nghị cũng giới thiệu quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của địa phương.
Đặc biệt, hội nghị truyền tải các thông điệp, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của TP. Cần Thơ và nội dung quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp của TP. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa, trong bối cảnh TP. Cần Thơ được thí điểm thực hiện cơ chế chính sách đặc thù để phát triển, nhằm thúc đẩy thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ngoài ra, hội nghị hỗ trợ kết nối các nhà phân phối, các đơn vị thu mua, các đơn vị đầu mối của TP. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa với các sản phẩm thế mạnh của Cần Thơ như nông sản, nông sản chế biến, thuỷ sản, lúa gạo… để các doanh nghiệp có dịp gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tich UBND TP. Cần Thơ phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ – cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long là 68 tỷ USD. Trong đó, TP. Cần Thơ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Hàng năm, Cần Thơ xuất khẩu 2,2 tỷ USD, trong đó 30% là doanh thu từ xuất khẩu gạo. Tương lai Cần Thơ sẽ mở rộng sân bay thành sân bay quốc tế lớn với công suất vận chuyển 10-15 triệu lượt hành khách/năm và hơn 10 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cũng theo ông Trần Việt Trường, Cần Thơ có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, bao gồm hệ thống giao thông đường thủy (3 cảng có thể tiếp nhận 5.000 – 20.000 tấn), đường bộ (6 quốc lộ đi qua, tuyến cao tốc kết nối thuận tiện với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng); đường hàng không (Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ). Việc phát triển hệ thống logistics tại TP. Cần Thơ góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư không chỉ của địa phương và của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mà góp phần kết nối Việt Nam với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.
Doanh nghiệp ký kết, hợp tác tại hội nghị |
Chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh của mình, ông Cao Tiến Đoàn – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, Thanh Hoá có vị trí thuận lợi về giao thương hàng hóa, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đang được tăng cường đầu tư, nhất là về hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông đường thủy với cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn; Cảng hàng không Thọ Xuân với nhà ga hiện đại, công suất 1 triệu lượt khách/năm, đảm bảo điều kiện để trở thành cảng hàng không quốc tế; Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thông thương với Lào, qua đó, thông thương với nhiều nước trong khối ASEAN…
Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giới thiệu sản phẩm bột rau má tại hội nghị |
Cũng trong dịp này, các doanh nghiệp TP. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa cũng giới thiệu và quảng bá sản phẩm của mình, kêu gọi các nhà đầu tư của TP. Cần Thơ kết nối, tham quan, xúc tiến thương mại, du lịch, liên kết, hợp tác để cùng phát triển bền vững.