Đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 19.403 tỷ đồng cho siêu bến cảng Trần Đề
Khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương này sẽ giúp tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân vào Dự án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề – Sóc Trăng trị giá 162.730 tỷ đồng.
Phối cảnh cảng Trần Đề – Sóc Trăng. |
UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư bến cảng Trần Đề – Cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại công văn này, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ về việc án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề – Sóc Trăng hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2025 – 2030 hỗ trợ địa phương này với tổng số vốn là 19.403 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Trần Đề có chức năng phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo; có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và năng lực của nhà đầu tư.
Khu bến Trần Đề có tiềm năng phát triển phía ngoài khơi để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp nhận tàu trọng tải đến 5.000 DWT cho các bến trong sông; tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu hàng rời trọng tải đến 160.000 DWT ngoài khơi cửa Trần Đề.
Nghiên cứu sơ bộ của UBND tỉnh Sóc Trăng cho thấy, khu bến cảng ngoài khơi Trần Đề có diện tích mặt bằng cảng 411,25 ha, trong đó giai đoạn khởi động 81,6 ha.
Công trình gồm hệ thống cầu cảng có tổng chiều dài 5.300 m tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container trọng tải đến 100.000 DWT (6.000 đến 8.000 Teus), tàu hàng rời 160.000 DWT, trong đó giai đoạn khởi động đầu tư 2 bến dài 800 m cho tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT và 2 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải đến 160.000 DWT.
Hệ thống kè/đê chắn sóng có tổng chiều dài 9.800m, trong đó giai đoạn khởi động dài 4.000m.
Cầu vượt biển có chiều dài 17,8 km, rộng 28m, 6 làn xe, trong giai đoạn khởi động bố trí cho 2 làn xe với bề rộng 9 m. Cầu dẫn kết nối cầu vượt biển với bến cảng giai đoạn khởi động dài 1,85km, rộng 28 m; giai đoạn khởi động rộng 9 m.
Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics tại cảng Trần Đề có dự kiến quy mô đầu tư xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics với tổng diện tích khoảng 4.000 ha, bao gồm san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống PCCC, thông tin liên lạc. Giai đoạn khởi động diện tích 1.000 ha. Đường sau cảng kết nối Quốc lộ 91B đến cầu vượt biển dài 6,3 km.
Với quy mô đầu tư như trên, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 162.730 tỷ đồng, trong đó giai đoạn khởi động có tổng mức đầu tư là 44.695 tỷ đồng.
Trong đó, vốn đầu tư công 19.403 tỷ đồng, chiếm khoảng 43%, gồm: đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Vốn đầu tư tư nhân (doanh nghiệp) là 25.292 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%), gồm san lấp mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần, logistics; đầu tư xây dựng cảng thuộc bến cảng Trần Đề.
Trong giai đoạn hoàn thiện Dự án có tổng mức đầu tư 162.731 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư công là 46.476 tỷ đồng (chiếm khoảng 29%), gồm đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề; đầu tư xây dựng cầu vượt biển; đầu tư xây dựng đê kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu.
Vốn đầu tư tư (doanh nghiệp) là 116.255 tỷ đồng (chiếm khoảng 71%), gồm san lấp mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng khu dịch vụ hậu cần, logistics; đầu tư xây dựng cảng thuộc bến cảng Trần Đề.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Dự án có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, được đầu tư trên địa bàn đặc biệt khó khăn.
Do vậy, ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến cảng theo quy hoạch, cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng (luồng tàu, đê chắn sóng, báo hiệu hàng hải…), kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông (cầu vượt biển và đường giao thông kết nối từ điểm cuối tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng tại Quốc lộ 91B đến bến cảng Trần Đề) đồng bộ với lộ trình kêu gọi đầu tư hạ tầng bến cảng.
Khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước này sẽ nhằm tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân tương tự như các khu bến cảng cửa ngõ khác (Lạch Huyện, Liên Chiểu) đã kêu gọi đầu tư trong thời gian qua.