Tại Diễn đàn Kinh tế thường niên TP Cần Thơ năm 2024 với chủ đề “Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững”, các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã thẳng thắn nhìn nhận về hiện trạng, khó khăn, thách thức và cơ hội trong thu hút đầu tư của TP Cần Thơ. Qua đó, gợi mở nhiều ý tưởng mới nhằm cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, góp phần phát triển kinh tế thành phố nhanh và bền vững.
Các diễn giả thảo luận bàn tròn tại Diễn đàn.
* Điểm nghẽn
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chỉ ra 4 khó khăn, thách thức trong thu hút đầu tư của TP Cần Thơ. Đó là: chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố đúng hướng, nhưng còn chậm, 2 khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ phát triển chưa tương xứng (chỉ dịch chuyển tăng từ 1 đến 2 điểm phần trăm), TP Cần Thơ tiếp tục đối diện với nguy cơ ảnh hưởng sự phát triển về kinh tế – xã hội – môi trường; hạn chế về hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông; thiếu vốn đầu tư trên địa bàn thành phố; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ, hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông là một trong những điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm đầu tư vào TP Cần Thơ nói riêng và cả ĐBSCL nói chung. Nguyên nhân cơ cấu kinh tế của thành phố dịch chuyển chậm là do thành phố chưa thu hút được các dự án ngoài ngân sách lĩnh vực logistics, khu công nghiệp, năng lượng có quy mô lớn để tạo động lực. Cùng với đó, môi trường pháp lý còn chồng chéo, bất cập,… “Việc thiếu đầu tư và đầu tư kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến vòng xoáy đi xuống và làm cho ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng chậm phát triển so với địa phương khác trong vùng và các vùng khác trong nước. Thời gian tới, rất cần đa dạng nguồn vốn, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững” – ông Nguyễn Khánh Tùng nêu rõ.
Theo các chuyên gia, mặc dù Cần Thơ có nguồn lao động dồi dào, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề cao cho các ngành công nghiệp đặc thù, dẫn đến việc gia tăng chi phí đào tạo lại nguồn nhân lực hoặc phải thuê chuyên gia từ các khu vực khác. Hạ tầng kết nối khu vực và các cảng biển chưa được chú trọng phát triển mạnh; việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghiệp tại Cần Thơ và kết nối với các tỉnh lân cận vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức về sự thiếu hụt của các nguồn cung. Các doanh nghiệp trong vùng chưa hợp tác chặt chẽ trong việc xây dựng chuỗi giá trị, cũng như chưa tận dụng được lợi thế của liên kết vùng để tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất. Việc thiếu kết nối hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông – logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác, cũng góp phần làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
* Để Cần Thơ là điểm đến đầu tư
TP Cần Thơ và ĐBSCL đang đứng trước các cơ hội lớn để thu hút đầu tư. Ngoài tiềm năng trung tâm sản xuất nông nghiệp của cả nước, ĐBSCL còn cho thấy lợi thế về phát triển công nghiệp: điện gió ngoài khơi; công nghiệp chế biến nông, thủy, hải sản; công nghệ cao nuôi trồng, canh tác, bảo quản nông, thủy, hải sản… Đặc biệt, hạ tầng giao thông của ĐBSCL ngày càng được quan tâm phát triển, mở ra nhiều cơ hội cho toàn vùng trong thu hút đầu tư.
Các diễn giả thảo luận bàn tròn tại Diễn đàn.
Ông Đào Quang Phủ, chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn phát triển phải đa dạng nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, vốn đầu tư không chỉ nên nhìn nhận là nguồn tiền mà còn là kinh nghiệm, trí tuệ. Thành phố cần quan tâm đến đào tạo đội ngũ trình độ cao, đồng thời cần tiếp nhận, chắt lọc những kinh nghiệm thành công trong và ngoài nước để vận dụng phù hợp với thực tiễn.
Ông Tạ Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ (Khu công nghiệp (KCN) chuyên sâu Phú Mỹ 3), cho rằng: “Nếu tận dụng rất thành công xu thế cộng hưởng, hỗ trợ và cộng sinh lẫn nhau trong phát triển công nghiệp, tôi tin rằng việc phát triển các vùng kinh tế động lực tại Cần Thơ sẽ là tiền đề phát triển kinh tế và hỗ trợ kết nối vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ”.
Theo ông Bảo, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đã mở ra cơ hội cho các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư FDI từ khắp nơi trên thế giới tìm đến những địa điểm mới tại Việt Nam để phát triển các dự án đầu tư, trong đó TP Cần Thơ nổi bật như một điểm sáng. Nhận thấy tiềm năng phát triển vượt trội tại TP Cần Thơ, doanh nghiệp đã quyết định chọn “vùng đất sông nước” để tiếp tục triển khai dự án tiếp theo của Phú Mỹ 3. Cụ thể, trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư vào dự án KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2 (Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP), Công ty đặt mục tiêu thu hút đầu tư vào các dự án tận dụng kết nối chuỗi cung ứng thượng nguồn giữa KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và hạ nguồn (KCN Vĩnh Thạnh – giai đoạn 2) tại Cần Thơ với các nguyên vật liệu cơ bản được sản xuất tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và khu vực lân cận, như: hóa chất cơ bản, thép, vật liệu xây dựng, hạt nhựa, sản phẩm sau hóa dầu.
Có thể thấy, thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia mà còn giữa các khu vực có nguồn lực giới hạn, và ở đâu có môi trường đầu tư tốt, thể chế thuận lợi, thông thoáng, ổn định, mang lại lợi ích thì các doanh nghiệp sẽ tìm đến và tập trung đầu tư. Với những lợi thế về vị trí chiến lược, hạ tầng ngày càng phát triển, nguồn lao động dồi dào, và chính sách hỗ trợ đầu tư rộng mở, TP Cần Thơ hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ các KCN trong thời gian tới. Tuy nhiên, để khai thác tối đa cơ hội, thành phố cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và đẩy mạnh liên kết vùng nhằm tạo ra sức bật mới cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:
Thời gian tới, thành phố sẽ đưa ra các định hướng trọng tâm: sớm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới cho nguồn thu ngân sách; tập trung nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, phù hợp với thành phố trong thời gian tới; triển khai đồng bộ các đề án, chương trình, kế hoạch của thành phố để thực hiện các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm tạo động lực để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước; đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy trình thủ tục đầu tư đúng quy định, tập trung tháo gỡ những bất cập hạn chế đối với các dự án đầu tư trọng điểm của thành phố; ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phù hợp với định hướng chiến lược, khả năng và mong muốn của thành phố; đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP); phát triển quỹ đất để huy động nguồn vốn; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…
|
Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/11/De-TP-Can-Tho-phat-trien-nhanh-va-ben-vung.html