Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của vùng ÐBSCL ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực, nhiều chính sách hỗ trợ từ Trung ương đã có tác động rõ nét vào nền kinh tế. Bước sang năm 2025, tình hình kinh tế thế giới, trong nước tiếp tục phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ. Thực tế này đòi hỏi các tỉnh, thành trong vùng phải có giải pháp linh hoạt để ứng phó. Cùng với đó là sự tiếp sức, hỗ trợ tích cực từ Trung ương để mối liên kết vùng được thắt chặt, từ đó thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thuỷ sản Cần Thơ.
Nỗ lực
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của vùng ÐBSCL đạt 7,31%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (cả nước khoảng 7%), đứng thứ 3/6 các vùng kinh tế. Một số địa phương có mức tăng trưởng khá như Trà Vinh (10,04%), Hậu Giang (8,76%), Long An (8,3%), Kiên Giang (7,5%). Cơ cấu kinh tế của vùng năm 2024 tương ứng 3 khu vực I, II, III và thuế trợ cấp sản phẩm ước thực hiện lần lượt đạt 29,97% – 27,18% – 37,69% – 5,16%.
Ðối với sản xuất công nghiệp, năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hầu hết các tỉnh trong vùng duy trì tăng trưởng tốt, trong đó 3 tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang và Hậu Giang có mức tăng trưởng cao (Trà Vinh tăng trưởng là 16,93%, Kiên Giang là 10,02% và Hậu Giang là 12,91%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng tăng khá và cao hơn bình quân cả nước (9%). Các tỉnh vùng ÐBSCL còn đóng góp quan trọng trong sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thủy sản quan trọng như gạo, thủy sản (tôm, cá tra…) và rau quả (chiếm khoảng 60-70% tổng xuất khẩu cả nước). Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), lũy kế đến hết tháng 11-2024, toàn vùng có 2.086 dự án đang hoạt động với tổng số vốn huy động là 36.755,34 triệu USD. Môi trường kinh doanh được cải thiện, toàn vùng có 8/13 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất. Ðến hết 31-12-2024, giải ngân vốn đầu tư công của cả vùng đạt 64.586,664 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 72,13%, cao hơn so bình quân chung cả nước (cả nước là 70,24%).
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, đánh giá: Năm qua, vùng ÐBSCL đã khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước, góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực, mang lại nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước. Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, các tuyến đường trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ như tuyến cao tốc Châu Ðốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc An Hữu – Cao Lãnh. Bên cạnh kết quả đạt được, vùng cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế như tăng trưởng kinh tế tại một số địa phương còn chậm; biến đổi khí hậu (sụt lún, ngập, xâm nhập mặn…) ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số còn chậm; hoạt động liên kết vùng chưa hiệu quả, một số thỏa thuận liên kết còn mang tính hình thức, chưa thực chất.
Tiếp sức để bứt phá trong năm mới
Các chuyên gia dự báo, năm 2025, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam tiếp tục đối mặt với rủi ro về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong nước, các yêu cầu và thách thức lớn đặt ra phải phấn đấu đạt kết quả cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 và tạo dựng, hoàn thiện các nền tảng thể chế, hạ tầng mới cho phát triển theo các xu thế lớn toàn cầu, tạo đà cho giai đoạn 2026-2030. Các vấn đề an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, hạn hán, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên… tiếp tục là các vấn đề được cả nước nói chung và ÐBSCL đặc biệt quan tâm.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, với vị trí, vai trò là trung tâm vùng ÐBSCL, đặc biệt, trước “lời hiệu triệu” của Tổng Bí thư Tô Lâm sẵn sàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Cần Thơ xác định đây là cơ hội để khơi dậy sự năng động, sáng tạo quyết tâm thực hiện mục tiêu mà các Nghị quyết của Trung ương đã đề ra đối với sự phát triển của thành phố. Thành phố kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ vùng ÐBSCL đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục xem xét bổ sung các công trình mới giai đoạn 2026-2030 của vùng ÐBSCL. Ðồng thời, ủng hộ TP Cần Thơ thành lập khu kinh tế với các điều kiện là vai trò động lực của vùng, hỗ trợ các hoạt động đầu tư, sản xuất theo mô hình liên kết vùng: phối hợp sản xuất sản phẩm theo chuỗi; ưu tiên đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực và lao động là người dân của vùng ÐBSCL…
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh đã xây dựng kịch bản, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội để tăng trưởng đạt cao hơn, phấn đấu đạt mức bình quân của cả nước. Ðối với các công trình giao thông trọng điểm kết nối Bến Tre với các tỉnh lân cận, dự án cầu Rạch Miễu 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành, tuyến đường từ cầu Rạch Miễu 2 về Cổ Chiên, Trà Vinh sẽ có nguy cơ “nút thắt cổ chai” nếu tuyến đường này không được mở rộng. Vì vậy, tỉnh kiến nghị Chính phủ quan tâm, hỗ trợ đồng bộ các tuyến cầu và đường trong kế hoạch đầu tư công trung hạn sắp tới. Về tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và tỉnh Trà Vinh, kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành hữu quan xem xét phê duyệt trước đề xuất đầu tư các dự án DPO để tỉnh tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo. Ðối với vấn đề hạn mặn, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm bổ sung vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống 8 cống ngăn mặn thuộc dự án Quản lý nguồn nước (JICA3). Qua đó, giúp người dân có nước ngọt phục vụ đời sống và sản xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, để kinh tế ÐBSCL đột phá trong năm mới cần đẩy mạnh các hoạt động điều phối, liên kết giữa các bộ, ngành và địa phương; giữa các địa phương trong vùng; hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa các địa phương vùng ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững.
Ông Nguyễn Chí Dũng, cho biết: Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ phê duyệt một số dự án trọng điểm đã có chủ trương đầu tư và giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai trong năm 2025; nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. Nghị quyết số 13-NQ/TW là kim chỉ nam cho phát triển bền vững ÐBSCL, do đó các bộ nghiên cứu đề xuất các chuyên đề về một số định hướng lớn phát triển vùng ÐBSCL đã được xác định tại Nghị quyết số như: xây dựng trung tâm đầu mối về nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế biển; liên kết xuất nhập khẩu ngành Nông nghiệp… qua đó tạo thế và lực để ÐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.
Bài, ảnh: MỸ THANH
Nguồn: https://baocantho.com.vn/dbscl-linh-hoat-vuot-kho-tiep-da-tang-truong-trong-nam-moi-a182736.html