Tại diễn đàn Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050, mới đây các chuyên gia nhận định, giống như hầu hết các nước trên thế giới, trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam, ngành Nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường. Ðây cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng từ tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, chuyển đổi mô hình theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và phát thải thấp là sự lựa chọn ưu tiên hàng đầu, đồng thời cũng là cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành Nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng ÐBSCL nói riêng.
Mô hình thí điểm Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Vấn đề cấp bách
Trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (WB), nông nghiệp chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải năm 2020. Trong đó, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 48% lượng phát thải, tiếp theo là chăn nuôi 15,3%, sử dụng phân bón tổng hợp 12,9% và xử lý phân chuồng 9,5%. Một điểm đáng lưu ý, hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành Nông nghiệp là khí metan và nitơ oxit, không phải khí carbon dioxit (CO2). Hai loại khí này đều có thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn nhiều so với CO2, nhưng lại có khả năng gây hại cho môi trường hơn gấp nhiều lần.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Chủ đề của diễn đàn hôm nay phản ánh một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển kinh tế, đó là biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với các quốc gia có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp như Việt Nam. Ðể hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần giải quyết. TP Cần Thơ mong muốn diễn đàn sẽ là cơ hội để các bên cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất những giải pháp đột phá, khả thi cho ngành Nông nghiệp trong khu vực. Ðặc biệt, chúng tôi kỳ vọng rằng thông qua những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ các chuyên gia, các nhà khoa học góp phần thúc đẩy, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, huy động nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như mở ra các cơ hội hợp tác hiệu quả giữa các bên liên quan”.
Sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Thực hiện nông nghiệp “Net Zero” giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất – thương mại sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, giá trị thương hiệu tăng, dễ thâm nhập các thị trường có giá trị cao.
Bà Huỳnh Kim Ðịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, cho biết: Hiện sản xuất nông nghiệp xanh tiến đến sản xuất nông nghiệp “Net Zero” đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, với những lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên tùy thuộc vào đặc thù của mỗi quốc gia. Ðến nay, hơn 190 quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu Net Zero với mục tiêu cuối cùng là đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoặc 2060, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia được ghi nhận trong Thỏa thuận Paris của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2015.
Chung tay hành động
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, tăng trưởng xanh, nông nghiệp xanh đã dần trở thành xu hướng phát triển chủ đạo. Nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh đã được ban hành như: Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030 và đặc biệt là Ðề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030. Các chủ trương này đã và đang tạo nên những chuyển biến tích cực cho ngành Nông nghiệp của Việt Nam nói chung và vùng ÐBSCL nói riêng.
Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh: “Một trong những giải pháp đột phá để giảm phát thải là áp dụng mô hình tín chỉ carbon. Ðây không chỉ là công cụ thúc đẩy giảm thiểu phát thải mà còn tạo ra nguồn thu mới cho người nông dân thông qua giao dịch tín chỉ. Các mô hình nông nghiệp bền vững như trông dâu nuôi tằm tại Lào Cai hay Vĩnh Phúc, là minh chứng rõ ràng về hiệu quả của việc kết hợp sản xuất xanh với lợi ích kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng vùng ÐBSCL, với vai trò là vựa lúa lớn nhất cả nước, sẽ tiếp tục tiên phong trong việc phát triển các mô hình nông nghiệp Net Zero. Theo ông Thành, để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 không thể chỉ dựa vào mỗi cá nhân hay tổ chức. Ðây là nỗ lực chung của chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng khoa học và người nông dân.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cũng thảo luận cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, gợi mở các giải pháp, kiến nghị, đề xuất xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Ðể hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, các bộ, ngành liên quan cần xây dựng tiêu chí hướng dẫn cụ thể. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất, kết hợp với cơ chế tín chỉ carbon sẽ là chìa khóa để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, việc tăng cường nhận thức cho người dân và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao là các yếu tố quan trọng giúp ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường trong và ngoài nước.
Bà Huỳnh Kim Ðịnh, nhấn mạnh: Các yếu tố quan trọng tác động hiệu quả đến chuyển đổi sản xuất nông nghiệp xanh có thể kể đến là sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người dân chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp xanh, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển công nghệ xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nông nghiệp xanh và đẩy mạnh xuất khẩu nông sản xanh, dịch vụ xanh trên trường quốc tế. Ðồng thời, việc đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh (cơ giới hóa nông nghiệp xanh, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm nông nghiệp….) cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao lợi nhuận, hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường và hướng đến phát triển bền vững.
Bài, ảnh: MỸ THANH
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/01/DBSCL-huong-den-nen-nong-nghiep-Net-Zero.html