Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh đã và đang khai thác, tận dụng lợi thế thương mại điện tử (TMĐT) nhằm quảng bá, mở rộng cơ hội tìm kiếm, kết nối với các đối tác và người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm, nâng tầm giá trị thương hiệu, gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công rất cần sự chuyên nghiệp và hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ quan hữu quan cũng như từ chính các kênh TMĐT.
Kênh kinh doanh tiềm năng
TMĐT đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số cũng đã phát triển tích cực, trở thành kênh phân phối quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân và góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, dịch vụ thanh toán điện tử.
Đại diện Tiktok Shop tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại TP Cần Thơ kỹ năng kinh doanh trên nền tảng của mình.
Theo thống kê của nền tảng số liệu TMĐT Metric, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bán lẻ của 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop) đạt 156.000 tỉ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2024. Con số tăng trưởng này cũng vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường TMĐT Việt Nam năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với 53.740 tỉ đồng, đạt 67,9% thị phần. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỉ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỉ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỉ đồng (chiếm 1,3%). Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang, thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa…
TMĐT cho phép các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp mở rộng quy mô và tăng trưởng nhanh chóng. Việc áp dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Nhã, nhân viên Công ty TNHH MTV Thương mại Minh Đức Thành (thương hiệu Kocana) cho biết, theo xu hướng mới, song song với hoạt động kinh doanh trực tiếp thông qua các hệ thống cửa hàng, công ty còn quảng bá, kinh doanh các sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội (facebook, zalo). Nhờ đó, các sản phẩm của công ty được nhiều người biết hơn, đi xa hơn. Tuy nhiên, việc bán hàng này còn thiếu chuyên nghiệp nên hiệu quả chưa cao. Do vậy doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, các cơ quan hữu quan cũng như từ chính các kênh TMĐT, chẳng hạn như TikTok – kênh thương mại điện tử đang được xem là kênh kinh doanh hiệu quả của nhiều nhãn hàng, hỗ trợ cách quảng bá, kinh doanh làm sao để sản phẩm ngày càng kinh doanh hiệu quả hơn, đi xa hơn.
Hướng đến phát triển bền vững
TMĐT là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Phát triển TMĐT chú trọng đến phát triển bền vững, hướng đến tối ưu hóa quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm của người tiêu dùng bằng các giải pháp có tác động tích cực và cân bằng giữa ba yếu tố phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng là lực lượng chính trong phát triển TMĐT bền vững, Nhà nước có vai trò quản lý, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của TMĐT.
Trong những năm gần đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tại nhiều địa phương trong cả nước. Việc phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sẽ hỗ trợ thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong XTTM đối với doanh nghiệp nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong XTTM. Đó là nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm, sản lượng mùa vụ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết, trong 3 năm liên tiếp (2022, 2023, 2024), Cục tổ chức chương trình tại các địa phương trên cả nước, đặc biệt là tại các địa phương có số lượng hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, để thay đổi cách thức bán hàng. Do các đối tượng này phần lớn kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa qua phương thức truyền thống nên Cục phối hợp với các nền tảng số như Tiktok Shop, Alibaba, Amazon… thúc đẩy, hợp tác kinh doanh trên các nền tảng số này. Có thể thấy việc tập huấn cho doanh nghiệp tiếp cận kinh doanh trên các nền tảng số có thể nhìn nhận thay đổi khá nhiều về cách thức hoạt động thương mại. Thay vì các cách thức truyền thống như trước đây là tiếp thị và bán hàng thông qua các cửa hàng thì nay từ chính người sản xuất đến tận tay người tiêu dùng giúp các đơn vị tiết giảm được rất nhiều chi phí ở các khâu trung gian, đặc biệt là với đối tượng doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế…
Trước vấn đề này ông Lê Hoàng Tài cho biết, thực tế hầu hết các trang TMĐT lớn đều có bộ phận kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên các nền tảng của họ. Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường (thuộc Bộ Công Thương) đồng hành cùng các doanh nghiệp cũng như các nền tảng TMĐT kiểm soát, kiểm tra hộ kinh doanh tham gia kinh doanh trên các nền tảng TMĐT ngăn chặn trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó”, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đảm bảo sự minh bạch, an toàn trong hoạt động về TMĐT. Cùng đó, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động TMĐT theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân không kê khai, nộp thuế theo quy định…
Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/09/Day-manh-kinh-doanh-tren-nen-tang-thuong-mai-dien.html