Năm 2024, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ đã kiểm tra 707 vụ, phát hiện 578 vụ vi phạm và xử lý 559 vụ, thu nộp ngân sách hơn 7 tỉ đồng. Cùng đó, tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu lên tới 250 triệu đồng, số hàng hóa buộc tiêu hủy trị giá hơn 1,4 tỉ đồng. Vi phạm nổi cộm là mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc lá điện tử, xăng dầu, mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm khí LPG, CNG, LNG.
Cán bộ Cục QLTT TP Cần Thơ kiểm tra hàng hóa tại điểm kinh doanh trên địa bàn quận Bình Thủy.
Theo Cục QLTT TP Cần Thơ, các hành vi vi phạm chủ yếu là không tuân thủ các quy định về đào tạo nhân viên, không đăng ký thời gian bán hàng hoặc giảm lượng hàng bán mà không thông báo (mặt hàng xăng dầu); đối với các mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, các hành vi vi phạm phổ biến bao gồm kinh doanh phân bón có nhãn không đúng quy định, không ghi đầy đủ thông tin hoặc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; lỗi vi phạm chủ yếu đối với các sản phẩm khí LPG, CNG, LNG là không lưu trữ đầy đủ thông tin theo quy định, sử dụng nhân viên chưa được huấn luyện về kỹ thuật an toàn, không niêm yết giá hàng hóa và không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật. Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cục đã kiểm tra 42 vụ, phát hiện 39 vụ vi phạm, xử lý 31 vụ với số tiền phạt 656.454.000 đồng. Các hành vi vi phạm gồm không thông báo website thương mại điện tử, kinh doanh hàng nhập lậu và buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu. Đặc biệt, đối với mặt hàng vàng, Cục đã kiểm tra 85 vụ, phát hiện vi phạm ở 76 vụ và xử lý 74 vụ, tổng số tiền phạt trên 1,1 tỉ đồng với lỗi chủ yếu là không niêm yết giá, buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu và không thể hiện đầy đủ thông tin trên biển hiệu cơ sở kinh doanh…
Ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục QLTT TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389/TP Cần Thơ, cho biết Cục sẽ có phương án kiểm tra đột xuất đối với những đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; những điểm tập kết, phát luồng hàng hóa; các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc các mô hình hoạt động kinh doanh dựa trên ứng dụng công nghệ số để kinh doanh, nhất là các đối tượng quảng cáo và kinh doanh hàng hóa công khai trên các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến,… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Việc triển khai hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm tuân thủ đúng quy định pháp luật; kết hợp hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; không gây phiền hà, trở ngại đối với hoạt động kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ông Hùng Em cho biết thêm, hiện Cục cũng đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao. Tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các chợ truyền thống; các điểm buôn bán trên các tuyến đường; các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực. Tăng cường quản lý, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Bài, ảnh: NAM HƯƠNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/Day-manh-kiem-tra-giam-sat-thi-truong.html