Văn hóa ẩm thực của người Chăm có nét độc đáo riêng với đa dạng các loại bánh. Trong đó, bánh gừng (ginrong laya) là loại bánh quan trọng có mặt trong các dịp lễ, Tết của người Chăm. Bánh không chỉ đặc biệt về hình dáng mà còn có hương vị thơm ngon.
Bánh gừng. Ảnh: Kiều Mai
Cô Ðàn Thị Sơn (thôn Bình Hiếu, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) là nghệ nhân có hơn 50 năm làm các bánh truyền thống của người Chăm, cho biết: “Trong tiếng Chăm, ginrong có nghĩa là “càng”, laya là “gừng”, bánh có hình dáng như củ gừng, lại có hương vị gừng. Ðây là loại bánh thường xuất hiện trong các lễ hội của người Chăm, đặc biệt là Tết Katê. Bánh gừng được xem là lễ vật quan trọng dâng cúng tổ tiên với mong ước cuộc sống ấm no, hạnh phúc”. Thực tế, trong những dịp lễ hội, người Chăm thường làm bánh củ gừng ghim vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét có trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đem chưng trên bàn thờ cùng với bánh tét, bánh gang tay.
Không khó để làm bánh gừng, nhưng người làm bánh phải tỉ mỉ và khéo léo. Ðể chế biến được bánh gừng, đồng bào Chăm dùng các nguyên liệu chính là bột nếp, gừng tươi, trứng, đường cùng chút men rượu. Gạo phải là gạo nếp thơm, hạt to, trắng đục được mang đi giã nhuyễn thành bột, sau đó đem phơi khô. Bột sẽ được trộn cùng với trứng vịt, nước sôi để đạt được độ mịn, dẻo vừa tay. Lúc này, người làm bánh sẽ cho bột vào cối nhỏ giã nhuyễn rồi lấy lên từng nắm bột nhỏ và bắt đầu nặn.
Giai đoạn nặn bánh thể hiện sự tỉ mỉ và khéo léo của người làm bánh. Bánh gừng được nặn thủ công hoàn toàn, tạo hình gần giống với củ gừng trong thực tế. Cô Ðàn Thị Sơn cho biết: “Nặn bánh gừng phải làm bằng tay nên phải khéo léo, tỉ mỉ. Ðôi khi có sử dụng dao nhọn, hoặc những chiếc muỗng nhỏ để hỗ trợ tạo hình. Ngày nay, tùy theo sự sáng tạo của mỗi người mà chiếc bánh sẽ có những hình dạng khác nhau. Bánh được tạo theo hoa văn mô tả đời sống của người Chăm hay hình con cá, san hô… rất đa dạng”. Sau khi nặn xong, bánh sẽ được mang đi chiên ngập dầu. Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng thực tế cũng cần được dành không ít công chăm chút. Bánh khi chiên luôn phải giữ độ bằng phẳng vừa phải. Khi đó, người thợ phải ép chặt hai chiếc bánh vào nhau bằng đũa và sạn. Bánh khi đó mới giữ đúng tạo hình ban đầu. Khi bánh chín vàng sẽ được nhúng trực tiếp vào nước đường và gừng đã thắng kẹo. Cuối cùng gắp từng cái lên mâm phơi cho khô để tăng độ giòn cứng. Cách làm này giúp bánh gừng giữ được lâu hơn sau khi chế biến. Bánh gừng khi ăn sẽ rất giòn, có vị béo ngọt và thơm từ hương gừng.
Khi thưởng thức bánh gừng, du khách thường sẽ được các nghệ nhân kể cho nghe câu chuyện nàng Nai Chrao Cho Phò, một câu chuyện tương tự như chuyện Hòn vọng phu. Ðó là chuyện về người phụ nữ chờ chồng đi chinh chiến ngoài khơi xa. Mỗi ngày, người chinh phụ làm bánh ginrong laya đi xuống bãi biển ném xuống nhờ các loài cá gửi đi cho chồng với lời nhắn nhủ mong chóng trở về sum họp. Lâu ngày, những chiếc bánh hóa thành san hô trùng trùng dưới đáy biển Cà Ná với nhiều hình thù đẹp, lạ và bắt mắt. Bánh gừng vì thế được gọi là bánh thủy chung, thường xuất hiện trong dịp lễ cưới của người Chăm.