Bên cạnh sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch được xem là yếu tố then chốt, tác động lớn đến sự phát triển du lịch vùng ÐBSCL. Thế nhưng nhiều năm qua, nguồn nhân lực du lịch của vùng ÐBSCL vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ thường xuyên phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch TP Cần Thơ tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch.
Nhân lực du lịch, thừa số lượng nhưng thiếu chuyên môn
Theo thống kê từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cả nước hiện có hơn 1,3 triệu lao động du lịch, trong đó có 42% được đào tạo chuyên ngành. Tại ÐBSCL, có khoảng 150.000 lao động du lịch, trong đó có đến 51% lao động chưa qua đào tạo, lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ khoảng 8%. Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang là những địa phương có tỷ lệ nhân lực qua đào tạo cao so với mặt bằng chung ở khu vực. Những tỉnh, thành này có nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí tập trung; đồng thời có nhiều trường đào tạo chuyên ngành về du lịch, tạo môi trường học tập và làm việc tốt hơn.
TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, cho rằng: “Nguồn nhân lực du lịch ở ÐBSCL đang có nhiều vấn đề cần quan tâm. Lao động du lịch có chuyên môn, kỹ năng, chất lượng thì thiếu rất nhiều, còn số lượng chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa. Chưa kể, các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin… còn hạn chế. Thực trạng này cho thấy nguồn nhân lực du lịch tại vùng ÐBSCL chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn và thị trường”. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, khoảng 30-40% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và khoảng 70-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ. Nhiều nơi vẫn còn hạn chế về ứng dụng công nghệ trong hoạt động cung cấp dịch vụ, tiện ích đến du khách.
ThS Ðinh Hiếu Nghĩa, Trưởng Khoa Quản trị lữ hành – Hướng dẫn viên du lịch, Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, nhìn nhận: “Số liệu thực tế cho thấy nhu cầu nguồn nhân lực du lịch của khu vực ÐBSCL liên tục tăng qua các năm. Các trường đại học và cao đẳng trong vùng đều có đào tạo các chuyên ngành liên quan đến du lịch và không ngừng mở rộng quy mô, số lượng hằng năm. Qua thống kê và đối sánh từ tỷ lệ việc làm của sinh viên ra trường tại nhiều cơ sở đào tạo và kết hợp điều tra thực tế, chúng tôi nhận thấy số lượng nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực du lịch tại ÐBSCL hiện nay có hiện tượng ngưỡng cung đã vượt quá cầu. Tuy nhiên vẫn tồn tại tình trạng sinh viên du lịch khó tìm được việc làm, còn các cơ sở kinh doanh du lịch ở nhiều địa phương lại thiếu hụt nguồn lao động có chuyên môn. Vấn đề đang nằm ở chỗ chúng ta tăng số lượng mà chưa có sự tính toán kỹ đến chất lượng, đặc biệt là nhân lực đáp ứng thị trường trong thời đại công nghệ số”. Ðồng quan điểm, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho rằng: “Nguồn nhân lực ngành du lịch ÐBSCL còn nhiều bất cập, trong đó đáng chú ý là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi gặp nhiều khó khăn và luôn phải đào tạo lại cho phù hợp với công việc thực tế. Do đó, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng là một yêu cầu cấp bách”.
Có thể thấy, cung – cầu nhân lực du lịch vùng ÐBSCL có sự bất hợp lý về số lượng lẫn chất lượng, dẫn đến tình trạng vừa thừa vừa thiếu. Các chuyên gia và các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp du lịch cũng chỉ ra một số nguyên nhân, đó là: chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu, nhiều cơ sở đào tạo chưa cập nhật chương trình, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với thực tiễn của ngành du lịch, thiếu sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân cản trở việc nâng chất nhân lực du lịch vùng ÐBSCL là thiếu các chính sách thu hút và giữ chân nhân tài, trong đó có mức lương chi trả còn thấp và chưa tương xứng.
Tìm giải pháp nâng chất
Ðể thay đổi, nâng chất nguồn nhân lực du lịch vùng ÐBSCL thời gian tới, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, đề xuất: “Cần xây dựng chiến lược nguồn nhân lực du lịch cho vùng, nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra, tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, chú trọng liên kết đào tạo quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.
ThS Ðinh Hiếu Nghĩa của Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ cũng đưa ra một số đề xuất cụ thể từ góc nhìn quản lý và đào tạo. Theo đó, các giải pháp cần tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung thực hành, kỹ năng, gắn kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, chú trọng phát triển nguồn nhân lực số, xây dựng các chính sách đãi ngộ nhân lực chất lượng cao.
Ở góc độ doanh nghiệp sử dụng lao động, bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho rằng: “Ðể nguồn nhân lực du lịch phát triển phù hợp, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, đặc biệt là mối liên kết giữa nhà nước – nhà trường – nhà sử dụng lao động”. Theo đó, nhà nước dẫn dắt, kết nối, xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Nhà trường xây dựng các khung chương trình chuẩn hóa phù hợp thực tiễn, nhu cầu thị trường. Còn nhà sử dụng lao động du lịch phối hợp với các cơ sở đào tạo, hợp tác trao đổi giảng dạy và tạo môi trường thực tập năng động.
Sinh viên trong giờ thực hành nghiệp vụ bếp bar tại Trường Cao đẳng Du lịch Cần Thơ.
Nhiều địa phương ở ÐBSCL đã nhận ra tầm quan trọng của việc xây dựng nhân lực chất lượng cao cho du lịch và tìm giải pháp nhằm tạo sự thay đổi. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Cùng với các địa phương trong vùng ÐBSCL, TP Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch và chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực theo nhiều hình thức: dài hạn, ngắn hạn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế, hướng đến nâng chất nguồn nhân lực”. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, Chương trình phát triển nhân lực và nâng cao nhận thức, giai đoạn 2021-2025, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố tổ chức từ 10-12 lớp đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch với khoảng 500-600 học viên/năm. Kết quả, nhân lực du lịch đã qua đào tạo của Cần Thơ hiện đạt trên 70%. Ngoài ra, Cần Thơ cũng định hướng đến năm 2025 thu hút khoảng 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 75%. Ðịnh hướng đến năm 2030 sẽ thu hút khoảng 12.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 80%.
Tương tự, Trà Vinh cũng đầu tư nguồn nhân lực du lịch từ nhiều năm qua. Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, thông tin: “Từ năm 2019-2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức 38 lớp tập huấn cho gần 1.200 học viên về kiến thức và kỹ năng trong du lịch. Từ đó, nhân lực du lịch của tỉnh cũng đã có sự đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành”. Trà Vinh cũng định hướng đến năm 2025, nguồn nhân lực du lịch đã qua đào tạo của tỉnh sẽ có khoảng 1.000 người, đến năm 2030 sẽ có khoảng 1.900 người.
Ông Phạm Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho rằng thực trạng nhân lực du lịch ở ÐBSCL cũng là thực trạng chung ở nhiều nơi. Do đó, để tạo sự chuyển biến, nâng chất nguồn nhân lực thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống, bao gồm sự chỉ đạo tập trung và quyết liệt từ các cấp chính quyền, sự tham mưu chính xác và trách nhiệm từ các cơ quan quản lý du lịch, đồng thời có sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, tổ chức xã hội. Ngoài ra, những người lao động trong ngành cũng phải thay đổi nhận thức, tích cực học tập và thích ứng với sự năng động của thị trường.
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/09/Bai-toan-dap-ung-nhu-cau-nhan-luc-du-lich.html