(CT) – Ngày 16-9, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Lúa ĐBSCL phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tọa đàm về các giải pháp canh tác nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát thải khí nhà kính vùng ĐBSCL.
Các đại biểu khảo sát khu vực ruộng thí nghiệm của Viện Lúa ĐBSCL.
Theo Viện Lúa ĐBSCL, nông nghiệp ĐBSCL chịu tác động của biến đổi khí hậu, hoạt động phát triển thượng nguồn và kinh tế nội vùng. Trong đó, sản xuất lúa gạo đối mặt với nhiều thách thức do hạn, mặn, nhiệt độ cao, phát thải khí nhà kính ngày càng nghiêm trọng; nguồn nước tưới giảm đe dọa sản xuất lúa, mặn xâm nhập sâu và độ mặn cao, kéo dài, sâu bệnh hại gây thất thoát trước và sau thu hoạch; độ màu mỡ của đất giảm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa, chi phí sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận của người trồng lúa.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL đã giới thiệu các kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát thải khí nhà kính ở ĐBSCL như “Phát triển gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến phát triển sản xuất lúa bền vững cho các tiểu vùng sinh thái ĐBSCL”, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), dự án tuyển chọn giống lúa thơm và chất lượng cao mang nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”, nghiên cứu ứng dụng thiết bị bay không người lái trong canh tác lúa bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng dẫn kỹ thuật quản lý nước, quản lý rơm rạ để giảm phát thải trong canh tác lúa… Các chương trình, dự án nghiên cứu, cùng giải pháp canh tác tiên tiến đã và đang góp phần vào việc thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc – ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Theo các diễn giả, để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện chất lượng giống lúa, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, để canh tác giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về công nghệ hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn cho lúa gạo; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững… Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc – ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” cần sự đồng thuận tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong chuỗi giá trị… Trong đó, cần tuyên truyền để nông dân tuân thủ các quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính và đồng thuận tham gia nhằm giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiếp tục hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất trong ngành hàng lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, khắc phục các điểm yếu để xây dựng chuỗi liên kết hài hòa và trách nhiệm hơn.
Tin, ảnh: MINH HUYỀN
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/09/Ap-dung-giai-phap-canh-tac-nang-cao-chat-luong