Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) hiện không chỉ là khẩu hiệu mà thực sự đã đi vào cuộc sống với tỷ lệ người dân dùng hàng Việt ngày càng cao. Tại TP Cần Thơ, độ phủ sóng hàng Việt rộng khắp từ các chợ truyền thống, đến các hệ thống phân phối hiện đại. Sản phẩm hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện cả về chất lượng và mẫu mã bao bì với giá thành hợp lý nên được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn và tin dùng.
Hoạt động tại hội chợ quảng bá hàng Việt trong chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều tổ chức.
Lan tỏa
Theo Ban Chỉ đạo CVÐ TP Cần Thơ, CVÐ hiện đã từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi của nhà sản xuất, người tiêu dùng, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, hướng hành vi tiêu dùng vào việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt. Ðiều này đã tác động tích cực đến toàn xã hội, không chỉ góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, ổn định an sinh xã hội của thành phố mà còn hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng ý thức được ý nghĩa của CVÐ là một “cơ hội kinh doanh tại thị trường nội địa”. Sản phẩm hàng hóa Việt ngày càng được cải thiện đáng kể về mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp thị trường.
Cùng với đó là sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước với Ban Chỉ đạo các cấp trong quá trình triển khai CVÐ ngày càng chặt chẽ, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền, đã linh hoạt vận dụng nhiều hình thức phong phú. Theo đó, Ban Chỉ đạo các quận, huyện đã triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động đến các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, mục đích của CVÐ; nâng cao nhận thức về khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong nước và địa phương; tuyên truyền tại các phiên chợ, trung tâm thương mại, chợ văn hóa, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp. Kết quả, năm 2024, Ban chỉ đạo CVÐ TP Cần Thơ đã tuyên truyền hơn 15.550 cuộc, có hơn 400.000 lượt người tham dự.
Hàng hóa Việt Nam với những lợi thế giá thành phù hợp với “túi tiền” người tiêu dùng, chất lượng ngày càng cao, mẫu mã đẹp. Cùng đó, độ phủ sóng hàng Việt rộng khắp từ các chợ truyền thống, đến các hệ thống phân phối hiện đại với tỷ trọng cao, khoảng 90%. Các chương trình kết nối cung – cầu hàng Việt trong những năm qua tại các địa phương đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa sản xuất với các đơn vị phân phối, bán lẻ. Ðặc biệt, từ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các siêu thị cũng tập trung phát triển nhãn hiệu nhà phân phối cho các sản phẩm vùng miền, các sản phẩm mùa vụ, sản phẩm truyền thống, sản phẩm tươi sống đặc trưng.
Tuy nhiên, theo Ban chỉ đạo CVÐ, công tác tuyên truyền, vận động về CVÐ ở một số địa phương, nhất là cấp xã có lúc chưa được quan tâm thường xuyên nên hiệu quả đạt chưa cao. Công tác tuyên truyền vận động cán bộ công chức, trong nội bộ cơ quan được thực hiện thường xuyên, nhưng vẫn còn một vài đơn vị chưa nắm bắt đầy đủ về CVÐ nên việc triển khai sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân còn hạn chế. Các mặt hàng tham gia các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chưa phong phú, chưa đa dạng nên chưa hút được nhiều người tiêu dùng mua sắm. Một số mặt hàng sản xuất trong nước chất lượng kém so với thành phần đăng ký làm cho người tiêu dùng mất niềm tin, các ngành chức năng chậm xử lý. Tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường vẫn còn xuất hiện trong các dịp lễ, Tết, nhất là thực phẩm không nhãn mác, không có hạn sử dụng, xuất xứ không rõ ràng.
Một số quận, huyện từng lúc thiếu chủ động liên hệ với cơ quan và doanh nghiệp trong “Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn”; mặt khác, các doanh nghiệp còn ngại đưa hàng Việt về nông thôn do chi phí vận chuyển cao, chủng loại mặt hàng đưa về bán ở nông thôn chưa phong phú, hệ thống phân phối bán lẻ chưa nhiều, doanh số bán ra còn thấp. Trong hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn một số doanh nghiệp còn lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng… làm ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, từ đó làm giảm ý nghĩa thiết thực của CVÐ.
Cầu nối cho hàng Việt
Tại một số siêu thị, tỷ lệ hàng Việt áp đảo hàng ngoại nhập được trưng bày tại hệ thống quầy kệ ngày càng đa dạng về mẫu mã. Qua khảo sát của Hội Doanh nghiệp cho thấy, hàng Việt Nam chất lượng cao, đa số người bán đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp đạt chuẩn hàng Việt Nam chất lượng cao được nhiều người mua 80%, có thương hiệu uy tín 60%, sản phẩm đa dạng chủng loại 47%, giá bán cạnh tranh 39%. Trên 50% đánh giá doanh nghiệp có nhiều sản phẩm mới hoặc được cải tiến trong năm qua. Ðặc biệt, nắm bắt cơ hội hàng Việt mang lại, từ đầu năm 2024 nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội trở lại mở rộng thị phần.
Ðể đảm bảo cân đối cung – cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, không để xảy ra trường hợp găm hàng, sốt giá nhất là các mặt hàng thiết yếu, hằng năm, Sở Công Thương ban hành công văn vận động doanh nghiệp dự trữ hàng hóa. Trong năm 2024, có 8 doanh nghiệp đăng ký tham gia, trong đó có 6 doanh nghiệp đăng ký dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm, tập trung chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như gạo (444 tấn), mì ăn liền (70.780 thùng), lương khô (8.850 thùng), nước uống đóng chai (26.653 thùng); 2 doanh nghiệp đăng ký dự trữ 42,6 triệu lít xăng, 43,3 triệu lít dầu diesel và 1.436 tấn gas. Cùng đó, UBND thành phố ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2024, Tết Nguyên đán năm 2025 trên địa bàn thành phố.
Trong năm qua, thành phố đã tổ chức xét duyệt cho 5 sản phẩm mới về đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP theo chuyên ngành. Ðến nay, toàn thành phố đã có 153 sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn thực hành kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố và một số tỉnh ÐBSCL. Ðồng thời hỗ trợ các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại địa phương tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và nông sản; góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng, đặc thù, sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của thành phố đến các tỉnh, thành phố trong cả nước…
Theo các chuyên gia, để trợ lực cho vị thế hàng Việt, cần tập trung thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tăng cường đẩy mạnh liên kết vùng, từ đó có định hướng, hoạch định các cơ chế chính sách phát triển vùng, tạo tác động lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Cần kết nối vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, làm cầu nối để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ðồng thời, các doanh nghiệp phải có định hướng kinh doanh, nắm bắt được xu thế của thị trường thế giới, phù hợp với thị hiếu; thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm; nắm chắc tình hình cung – cầu, không sản xuất hàng hóa dư thừa…
Năm 2025, Ban chỉ đạo CVĐ TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng CVĐ. Vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ quảng bá, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà phân phối ưu tiên bán hàng hóa Việt Nam. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tham gia các hội chợ triển lãm để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn thành phố giới thiệu quảng bá thương hiệu sản phẩm đặc thù của doanh nghiệp địa phương…
Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2025/01/Tiep-tuc-day-manh-Cuoc-van-dong-Nguoi-Viet-Nam.html