(CT) – Ngày 24-12, đồng chí Ðoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ trì và chỉ đạo hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).
Các đồng chí lãnh đạo tham dự hội nghị.
Tại điểm cầu TP Cần Thơ có đồng chí Trần Thị Thanh Thúy, Chánh Thanh tra TP Cần Thơ, cùng lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện tham dự.
Theo Thanh tra Chính phủ, sau 5 năm thi hành Luật PCTN, công tác PCTN có nhiều bước tiến quan trọng, với nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, đi vào chiều sâu. Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm tra công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động tại 139.208 cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hiện 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 235.271 người để phòng ngừa tham nhũng. Trong giai đoạn 2020-2024, có trên 2 triệu người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; 37.106 người được xác minh tài sản, thu nhập; có 147 người bị kỷ luật do vi phạm quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trong 5 năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 37.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 935.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 658.000 tỉ đồng và hơn 28.300ha đất; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 1.714 vụ, 1.334 đối tượng. Cơ quan điều tra trong công an thụ lý điều tra 2.990 vụ án/7.652 bị can phạm tội về tham nhũng. Tòa án nhân dân 2 cấp trên cả nước đã đưa ra xét xử 2.120 vụ án tham nhũng, tuyên phạt 40 bị cáo tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, trong giai đoạn 2020-2024, có 264 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, 73 người bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng…
Tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề về hoàn thiện hệ thống pháp luật về kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; PCTN thông qua thanh toán không dùng tiền mặt; công tác phòng ngừa và phát hiện xử lý các vụ việc tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát quyền lực; vai trò của xã hội trong PCTN…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Ðoàn Hồng Phong đề nghị các bộ, ban, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về PCTN, phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Ðảng về PCTN, tiêu cực. Ðồng thời quán triệt đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật. Sửa đổi, bổ sung các quy định về PCTN còn bất cập; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý kinh tế – xã hội đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đảm bảo chặt chẽ, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng tham nhũng, tiêu cực; đồng thời giảm bớt thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm Luật PCTN, trong đó thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường công tác phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo thực hiện tốt công tác PCTN. Ngành Thanh tra tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCTN; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan nhà nước trong thực hiện pháp luật về PCTN; tăng cường phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra và kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm qua cơ quan điều tra. Phát huy vai trò của xã hội trong công tác PCTN; tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, HÐND và MTTQ trong công tác này…
Tin, ảnh: Sơn Hà
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/Tap-trung-hoan-thien-co-che-chinh-sach-phap-luat.html