Nhận diện giao thông là điểm nghẽn chính trong phát triển kinh tế – xã hội, với sự hỗ trợ từ Trung ương và các nguồn lực xã hội, Cà Mau đang tập trung nguồn lực, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông cho tăng trưởng kinh tế vùng cực Nam của Tổ quốc.
Khẩn trương thi công cầu Gành Hào nối 2 tỉnh Cà Mau – Bạc Liêu (Ảnh: Gia Minh) |
Cần khoảng 82.000 tỷ đồng để đầu tư cho giao thông giai đoạn 2021- 2030
Theo Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Cà Mau, nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 82.000 tỷ đồng, tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 khoảng 14.000 ha, bao gồm đất dành cho hệ thống đường bộ.
Trong đó, các dự án trọng điểm gồm: cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (khoảng 109 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2025); đường Quản Lộ – Phụng Hiệp (đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau dài 9,8 km), đường Hành lang ven biển phía Nam (đoạn qua địa bàn tỉnh dài 52,42 km); Quốc lộ 63 (đoạn qua địa bàn tỉnh dài 40,42 km); Quốc lộ 1 (đoạn qua địa bàn tỉnh dài 69,95 km).
Đến nay, Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi. Tuy nhiên, do chưa có trong danh mục Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, nên chưa xác định được nguồn vốn đầu tư. Nếu được phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 2 – 3/2025, Bộ GTVT dự kiến có thể hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án vào cuối năm 2028.
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi có chiều dài tuyến nghiên cứu khoảng 58,5 km, dự kiến đầu tư theo phương án toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III – đồng bằng, bề rộng mặt cắt ngang 12/11 m; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 5.586,7 tỷ đồng. Tổng vốn nâng cấp đoạn đường từ TP. Cà Mau đến Đất Mũi (nâng cấp Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh) là 12.700 tỷ đồng.
– Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau
Hiện Dự án cầu Gành Hào với tổng vốn đầu tư hơn 655 tỷ đồng nối 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đang được khẩn trương thi công, dự kiến thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán 2025. Cầu Gành Hào hoàn thành sẽ tạo trục kết nối thông suốt từ cửa biển Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) tới cửa biển Gành Hào (tỉnh Bạc Liêu) thông qua trục lộ Đông Tây, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội 2 tỉnh ven biển cực Nam của Tổ quốc. Cầu Gành Hào được triển khai với 7 gói thầu, nhiều kỹ sư, công nhân chia ca làm việc liên tục để đảm bảo tiến độ thi công.
Sau khi tỉnh Cà Mau ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau, TP. Cà Mau (chủ đầu tư) tiến hành các bước theo quy định, đang thực hiện thủ tục đầu tư; đo đạc, kiểm đếm; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, năm 2025 sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bàn giao mặt bằng thi công và thực hiện thanh quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.
Dự án sẽ triển khai trên phần diện tích 105,53 ha (ngoài diện tích Cảng hàng không hiện hữu), tổng mức đầu tư 863 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Đây là dự án nhóm A, thực hiện trong niên hạn 2024 – 2025.
Theo Quy hoạch, Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021 – 2030 đạt cấp 4C, quân sự cấp II, công suất thiết kế đạt 1 triệu lượt hành khách/năm.
Dự án Mở rộng, nâng cấp Càng hàng không Cà Mau do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm chủ đầu tư, vốn thực hiện khoảng 2.400 tỷ đồng. Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh – quốc phòng… Dự án dự kiến hoàn hoàn thành trong 18 tháng từ khi nhận mặt bằng
Về hệ thống cảng biển, theo Quy hoạch tổng thể Phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt, cảng biển Cà Mau là cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương (loại III) có bến chuyên dùng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phục vụ trung tâm điện khí Cà Mau.
Trong đó, khu bến Năm Căn là khu bến tổng hợp, có bến chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn; khu bến Ông Đốc chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp, có bến tổng hợp tiếp nhận tàu trọng tải 2.000 – 3.000 tấn. Bến cảng Hòn Khoai là khu bến cảng hàng hóa, dịch vụ; đề xuất xây dựng cầu cảng để bốc xếp hàng hóa tổng hợp,
container, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa; xây dựng các bến hàng rời, xăng dầu, khí hóa lỏng và các bến cho tàu lai dắt, tuần tra. Quy mô Dự án có khả năng đón tàu có tải trọng đến 250.000 DWT, đầu tư với hình thức liên doanh hoặc 100% vốn đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD. Bến cảng ngoài khơi Sông Đốc là bến chuyên dùng dầu khí (cảng dầu khí ngoài khơi), được phát triển phù hợp với nhu cầu hoạt động khai thác mỏ.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, những điểm nghẽn ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của tỉnh cần được khơi thông. Bên cạnh phát triển nguồn nhân lực, thì đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cảng biển, hàng không trên địa bàn là vấn đề ưu tiên cần tập trung giải quyết của tỉnh. Tỉnh đề xuất Trung ương quan tâm, dành nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng đất đặc thù như Cà Mau. Nếu hạ tầng được đầu tư tốt, sẽ góp phần thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực để khai thác lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng, mở lối cho Cà Mau phát triển nhanh về kinh tế biển bền vững trong tương lai không xa.
Xây dựng chính quyền kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, GRDP của tỉnh Cà Mau tăng 6,53%; kim ngạch xuất khẩu tăng 9,9%; Chỉ số Sản xuất công nghiệp lũy kế tăng 6,2%; sản xuất công nghiệp được phục hồi và sản lượng ngày càng tăng, trong đó, sản lượng chế biến tôm tăng 5,6% so với cùng kỳ; sản lượng khí thương phẩm tăng 3,8% so với cùng kỳ. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh ngày càng nâng cao, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút nhiều doanh nghiệp đến giao thương.
Cà Mau đề ra các nhóm giải pháp để tăng tốc về đích, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, nhất là tập trung cải cách hành chính sâu rộng, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng bộ máy chính quyền kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp hiệu quả.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh. Triển khai danh mục công trình bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên năm 2024; thực hiện tốt công tác đầu tư, xây dựng đường giao thông nông thôn theo kế hoạch…
Hai là, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu, chi ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu. Triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; tiếp tục thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ba là, theo dõi tình hình cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo hàng hóa đầy đủ, giá cả ổn định. Triển khai thực hiện các đề án khuyến công địa phương năm 2024. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời trên địa bàn tỉnh. Bốn là, tổ chức đoàn công tác học tập kinh nghiệm về công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp. Tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử.
Năm là, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh sang các thị trường lớn, tiềm năng. Đẩy mạnh triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP, ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025; triển khai hiệu quả các hoạt động của Tổ Công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn.
Sáu là, tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) chuẩn bị cho đợt thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC). Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp chuyển đổi số, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Kết nối đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và truyền thông đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử…
Phát biểu tại buổi làm việc mới đây về rà soát kết quả thực hiện Kế hoạch Cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân cho biết, với việc đứng đầu bảng xếp hạng theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (theo Quyết định số 766/QĐ-TTg), tỉnh rất quan tâm công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nhất là lĩnh vực trực tuyến công. Theo đó, cả hệ thống chính trị tỉnh Cà Mau cùng vào cuộc, phát huy vai trò của người đứng đầu từng đơn vị trên tinh thần đồng bộ, linh hoạt, trọng tâm, trọng điểm, kỷ cương, tạo đồng thuận của toàn xã hội.
“Nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu trong thực hiện trên môi trường mạng; gắn liền với việc công khai, minh bạch, kết nối thông tin toàn diện các cấp nhằm tạo sự thuận tiện, sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp cùng nhau phát triển vì mục tiêu hội nhập và phát triển tỉnh nhà”, ông Luân chia sẻ.
Nguồn: https://baodautu.vn/dau-tu-phat-trien-giao-thong-mo-duong-de-ca-mau-cat-canh-d231895.html