Theo các nhà khoa học, dù mưa xuất hiện tại ĐBSCL với lượng khá, tuy nhiên khô hạn vẫn được cảnh báo và có thể diễn ra gay gắt trong những tháng đầu năm 2025. Nước trên các con sông, kênh, rạch sẽ ở mức thấp; xâm nhập mặn xuất hiện, đe doạ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân. TP Cần Thơ cũng như các địa phương trong khu vực ĐBSCL tập trung thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với tình hình thực tế chủ động nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất…
Thách thức
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, là nơi góp phần đảm bảo an ninh lương thực cả nước và thế giới. Hằng năm, ĐBSCL luôn đóng góp trên 50% sản lượng lương thực quốc gia; chiếm chủ đạo về xuất khẩu gạo (90%), từ 2005 đến nay xuất khẩu 4,5-6 triệu tấn gạo; cung cấp 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản đánh bắt và khoảng 75% sản lượng nuôi trồng trên cả nước. GS.TS Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng, Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nhận định: ĐBSCL là vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây lớn nhất cả nước, nhưng đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng liên quan đến an ninh nguồn nước. Thiếu nước ngọt mùa khô, xâm nhập mặn ngày càng sâu, thiếu lũ lớn, giảm phù sa, tăng sụt lún, sạt lở, triều cường… đang đe dọa cả vùng và ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp.
Hệ thống bơm tát, dự trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư trang bị tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.
Ông Trần Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy nông và cấp nước (thuộc Viện Khoa học thủy lợi miền Nam) cho biết, ĐBSCL đang định hình lại với nhiều khác biệt so với quá khứ. Có 3 yếu tố tác động chính lên vùng, gồm phát triển ở thượng lưu sông Mekong là các thủy điện ngăn chặn dòng chảy, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp hạ lưu; biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sụt lún, hạ thấp lòng dẫn. Các tác động trên dẫn tới thay đổi dòng chảy về đồng bằng, giảm lũ, giảm dòng chảy đầu mùa khô và tăng dòng chảy cuối mùa khô, giảm phù sa, khai thác cát quá mức… Hệ quả, tăng xâm nhập mặn, đe dọa an ninh nước ngọt; gây ngập lụt; xói lở, hạ thấp mặt đất.
Từ những nguyên nhân trên, dòng chảy mùa lũ ở ĐBSCL đang theo xu thế giảm so với quá khứ. Từ năm 2011 về trước, khoảng 4-5 năm xuất hiện 1 trận lũ vừa đến lớn, nhưng từ sau 2012 đến nay chỉ có lũ nhỏ. Dự báo, trong 30-50 năm tới, gần như số năm lũ lớn không đáng kể. Về xâm nhập mặn, từ năm 2013 đến nay mặn xâm nhập sớm hơn từ 1-1,5 tháng so với giai đoạn 2004-2012, cao điểm của mùa mặn cũng tới sớm hơn. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, dự báo: Với các công trình ngăn mặn hiện có, đến năm 2030, ranh mặn 4g/l sẽ vào sâu hơn 3km so với hiện tại, vùng ảnh hưởng mặn tăng lên khoảng 150.000ha; tới năm 2050, ranh mặn vào sâu thêm gần 7km, diện tích ảnh hưởng tăng lên khoảng 180.000ha… Khi đó, giải pháp ứng phó cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn cho sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn vựa lúa cả nước và an ninh lương thực thế giới.
Còn theo ông Lê Tự Do, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam, hiện đơn vị đang vận hành 5 cống ngăn mặn tại ĐBSCL, bảo vệ khoảng 1 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ở ĐBSCL, các vùng bảo vệ, vận hành chưa đồng bộ, cùng một hệ thống công trình nhưng nhiệm vụ, nhu cầu và yêu cầu dùng nước cùng thời điểm khác nhau, hoặc đối nghịch lẫn nhau. Bên cạnh đó, quy hoạch bố trí sản xuất của một số địa phương chưa ổn định, chưa thống nhất… dẫn đến hiệu quả phục vụ chưa cao.
Thích ứng
Theo Cục Thủy lợi, các hiện tượng gia tăng các chuỗi đập thủy điện ở thượng nguồn, chuyển hướng dòng chảy sông Mekong sang các khu vực khác; suy giảm chất lượng đất và nước; hiệu quả sử dụng nước thấp; khai thác nước quá mức; tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu và nước biển dâng… là những thách thức đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân và an ninh lương thực quốc gia. Do đó, thời điểm này các giải pháp ứng phó cần triển khai thực hiện một cách đồng bộ hơn.
Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đề xuất giải pháp cụ thể cho các đô thị Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Long Xuyên, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… trong thời gian tới. Đó là các địa phương cần thực hiện kết hợp sử dụng tôn nền và các giải pháp thủy lợi, như: sử dụng hệ thống đê bao phân đô thị thành các phân khu, bố trí hệ thống cống ngăn triều, ngăn lũ khép kín; nạo vét các trục kênh tiêu, xây dựng các hồ điều hòa để trữ lại một phần nước mưa trong trường hợp không tiêu thoát ra sông được; bố trí các trạm bơm động lực để bơm tiêu nước mưa thừa không trữ được ra sông… Đối với các cửa thoát nước ra kênh cần bố trí các cửa van clape 1 chiều để ngăn nước tràn vào hệ thống đường ống thoát nước.
Đối với vùng nông thôn cần thực hiện giải pháp tăng cường trữ nước phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý, hạn chế khai thác cát sỏi lòng sông để giảm sạt lở; phổ biến các mô hình sinh kế đa dạng, phù hợp với điều kiện tự nhiên, tăng cường áp dụng các giải pháp canh tác tiên tiến, tiết kiệm nước; sắp xếp, quản lý dân cư sống ven kênh rạch, bảo đảm hành lang công trình thủy lợi; tăng cường công tác giám sát, dự báo nguồn nước; hoàn thiện quy trình vận hành hệ thống, nâng cao chất lượng vận hành hệ thống; cắm ranh cảnh báo lũ; cắm ranh cảnh báo sạt lở bờ sông/kênh và bờ biển; triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, thủy lợi; thực hiện các giải pháp phi công trình khác như bố trí lịch thời vụ, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức phòng, chống, ứng phó khô hạn, thiếu nước…
GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nhấn mạnh: “Tại vùng ngọt, tôi đồng tình với các giải pháp là nạo vét kênh mương để tăng khả năng dẫn ngọt và dùng các trạm bơm vừa và nhỏ với các vùng có địa hình cao không lấy được nước tự chảy. Còn giải pháp cho vùng cao là xây dựng ao, hồ chứa, theo tôi cần phải bàn thảo thật kỹ, bởi lượng mưa trong năm ở Cà Mau là lớn nhất (3.400mm), còn ở những nơi khác chỉ 1.400mm và lượng bốc hơi của nó cũng gần tương đương như vậy. Trong khi đó, lượng nước tập trung vào mùa mưa, còn mùa khô mấy tháng không có nước. Theo tính toán, lượng nước tưới cho 2 vụ lúa trong năm phải mất 1,3-1,5m nước, thành ra nếu xây hồ để phục vụ tưới cho lúa thì cần tính toán thật kỹ. Còn tại các đô thị lớn như vùng ĐBSCL, với mức nước lũ tại Tân Châu dưới 4,5m (tức dưới báo động cấp 3), các đô thị vùng thượng như Long Xuyên, Tân Châu, Châu Đốc đều không bị ngập, vì vậy không cần phải xây dựng hoặc củng cố đê bao ở giai đoạn hiện nay. Các thành phố còn lại cũng sẽ không bị ngập do lũ, có thể vẫn bị ngập do triều hoặc tổ hợp cả triều và lũ trong giai đoạn hiện nay (về lâu dài có thể vẫn bị ngập do lún đất và triều dâng). Về lâu dài có thể vẫn phải xây dựng công trình chống ngập cho các đô thị nếu tình trạng lún đất tiếp tục xảy ra. Điển hình như TP Cần Thơ, nếu chúng ta xây dựng xong các cống đầu kênh và rạch thì Cần Thơ không thể bị ngập do triều hay tổ hợp lũ và triều như hiện nay…”.
Bài, ảnh: HÀ VĂN
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/An-ninh-nguon-nuoc-dam-bao-an-toan-san-xuat.html