Qua 2 năm triển khai Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ chức khuyến nông cộng đồng (KNCĐ)”, mô hình tổ KNCĐ đã được thành lập và nhân rộng phát triển tại nhiều địa phương trong cả nước. Các tổ KNCĐ đã có nhiều hoạt động góp phần tích cực vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương. Phát huy các kết quả đã đạt được, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang tích cực phối hợp cùng các địa phương và đơn vị có liên quan để nhân rộng các tổ KNCĐ.
Nhiều đóng góp tích cực
Thực hiện Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN ngày 25-3-2022 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án thí điểm nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ chức KNCĐ, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng các địa phương tích cực triển khai thực hiện củng cố, thành lập và nhân rộng tổ KNCĐ. Qua 2 năm triển khai thực hiện, cả nước đã có 57 tỉnh, thành phố thành lập được 5.167 tổ KNCĐ với 47.293 thành viên. Cụ thể, trong Đề án thí điểm có 26 tổ KNCĐ với 156 thành viên và ngoài Đề án là 5.141 tổ KNCĐ với 47.137 thành viên. Hiện các địa phương vùng ĐBSCL đã thành lập được 1.108 tổ KNCĐ với 11.831 thành viên tham gia. Thành viên tham gia tổ KNCĐ chủ yếu là lãnh đạo xã, cán bộ công chức xã, đại diện các hội, đoàn thể ở địa phương, đại diện hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Cán bộ khuyến nông xã Nhơn Ái (bên trái) trao đổi với nông dân tại địa phương về tình hình trồng cây ăn trái.
Sau khi được thành lập, các tổ KNCĐ đã có nhiều hoạt động góp phần tích cực vào việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương. Nhiều tổ KNCĐ tại các địa phương đã phối hợp với các đơn vị chức năng để thực hiện công tác khuyến nông, triển khai các mô hình, dự án và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), nông dân. Thúc đẩy chuyển đổi số, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm thủy sản đạt chuẩn. Hỗ trợ phát triển HTX, tư vấn chính sách, tư vấn thành lập và hướng dẫn hoạt động cho các HTX, tổ hợp tác. Gần đây, các tổ KNCĐ cũng đã tham gia triển khai các hoạt động phục vụ Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Ông Phan Phi Hùng, Trưởng phòng Thông tin quảng bá và Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến nông An Giang, cho biết: “Tỉnh An Giang đã thành lập được 129 tổ KNCĐ với 1.601 thành viên. Qua quá trình hoạt động, các tổ KNCĐ tại xã, phường, thị trấn đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Đặc biệt, góp phần nâng cao nhận thức và năng lực của nông dân trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết sản xuất. Nhiều mô hình nông nghiệp bền vững đã được triển khai, giúp người dân tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập. Các tổ KNCĐ cũng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng các phương pháp sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường”. Theo anh Lê Trí Nhân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre, Bến Tre đã thành lập được 120 tổ KNCĐ với 850 thành viên. Các tổ KNCĐ tại tỉnh đã có nhiều hỗ trợ cho nông dân trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và ứng phó, chăm sóc các loại cây trồng trong các điều kiện sản xuất bất lợi do hạn, mặn gây ra. Các tổ KNCĐ cũng giúp nông dân nhân rộng, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả và củng cố phát triển các HTX, cũng như các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Nhân rộng, phát triển mô hình
Để thúc đẩy nhân rộng mô hình tổ KNCĐ, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở NN&PTNT TP Cần Thơ tổ chức Tọa đàm nhân rộng mô hình tổ KNCĐ. Tại tọa đàm này, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hiện việc nhân rộng mô hình và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ KNCĐ tại nhiều địa phương vẫn còn gặp không ít khó khăn và trở ngại. Đáng chú ý, hiện các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động của các tổ KNCĐ còn hạn chế. Năng lực của cán bộ khuyến nông cộng đồng cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Do là tổ chức mới hình thành nên các tổ KNCĐ cũng chưa thể vận hành và hoạt động “trơn tru” ngay được và còn có tình trạng có nơi chưa rõ về mô hình tổ chức, tư cách pháp nhân và huy động các nguồn lực để hoạt động tốt…
Từ thực tế trên, nhiều đại biểu kiến nghị, các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương cần xem xét, có thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đãi ngộ để thúc đẩy thành lập, phát triển các tổ KNCĐ. Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các tổ KNCĐ và bố trí, huy động tốt các nguồn lực để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác kết nối, phối hợp giữa các tổ KNCĐ với các bên có liên quan để hoạt động theo phương châm tích hợp đa giá trị, cùng phát triển… Ông Đỗ Đà Giang, Trưởng Phòng Tư vấn và Hợp tác Quốc tế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, kiến nghị: “Bộ NN&PTNT xem xét, phối hợp Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức hoạt động KNCĐ, xây dựng và phát triển các tổ KNCĐ trở thành lực lượng chủ lực của ngành Nông nghiệp ở cơ sở. UBND các tỉnh, thành phố cần quan tâm ban hành cơ chế chính sách, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các tổ KNCĐ hoạt động…”. Theo anh Lê Trí Nhân, cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre, trong điều kiện hoạt động khuyến nông có nguồn kinh phí còn hạn chế cần làm tốt công tác xã hội hóa. Các tổ KNCĐ cần mời các doanh nghiệp tham gia và có sự chia sẻ, gắn kết, liên kết chặt với nhau ở các vùng nguyên liệu và địa bàn sản xuất. Hoạt động xã hội hóa mạnh mẽ trong liên kết với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra là chìa khóa quan trọng giúp tổ hoạt động hiệu quả.
Tại TP Cần Thơ, đến nay đã có 12 tổ KNCĐ được thành lập tại huyện Phong Điền và quận Thốt Nốt. Hiện các địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục thúc đẩy thực hiện các hồ sơ thủ tục để thành lập thêm các tổ KNCĐ và dự kiến từ nay đến hết năm 2024 thành lập thêm 20 tổ, nâng tổng số tổ KNCĐ tại thành phố lên 32. Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, giai đoạn hiện nay, khuyến nông là một trong những lực lượng nòng cốt để phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp dựa trên điều kiện khoa học công nghệ đang phát triển rất mạnh trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Rất mừng Bộ NN&PTNT đã triển khai Đề án về phát triển mô hình tổ chức KNCĐ, đây là giải pháp rất cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn. Cùng với cả nước, Cần Thơ cũng tích cực thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các tổ KNCĐ. Tạo điều kiện để các tổ KNCĐ nâng cao hiệu quả hoạt động và có đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của địa phương và giúp nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/12/Nhan-rong-mo-hinh-to-khuyen-nong-cong-dong.html