Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học hiện đại” do Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ phối hợp Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Cần Thơ) tổ chức mới đây không chỉ là hoạt động sinh hoạt văn chương bổ ích, mà còn nhóm lên ngọn lửa sáng tác văn học cho sinh viên.
Thơ 1-2-3 là thể loại thơ mới do nhà thơ Phan Hoàng khởi xướng. Niêm luật là mỗi bài thơ gồm 3 đoạn. Đoạn đầu chỉ gồm 1 câu, đồng thời là tựa bài thơ, tối đa 11 chữ. Đoạn 2 có 2 câu, mỗi câu tối đa 12 chữ. Đoạn cuối có 3 câu, mỗi câu tối đa 13 chữ. Thể thơ này có đề tài rất phong phú, ít câu nệ gieo vần, thiên về cảm xúc tác giả.
Câu chuyện về thể thơ này đã làm rôm rả buổi tọa đàm, dĩ nhiên không thể thiếu nhân vật chính là nhà thơ Phan Hoàng, bên cạnh các nhà thơ tên tuổi từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đông đảo sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Từ đó, mở ra không gian học thuật về thơ 1-2-3. Theo TS Nguyễn Minh Ca (giảng viên Trường Đại học Tây Đô), sau hơn 6 năm xuất hiện, đã có gần 1.000 cây bút tham gia sáng tác thơ 1-2-3, có 12 tập thơ riêng về thể thơ này, cùng rất nhiều thơ in chung.
Nhà thơ Phan Hoàng chia sẻ tại tọa đàm về thơ 1-2-3 được tổ chức ở Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Duy Khôi
Nhưng có lẽ, bên cạnh về câu chuyện thơ 1-2-3, sự hào hứng của cả diễn giả, khách mời và sinh viên đã làm nên hình ảnh đẹp tại tọa đàm. Nhà văn Đỗ Nguyên Thương, Chi hội trưởng Chi hội Lý luận phê bình Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, chia sẻ: “Tôi đã từng được tham dự khá nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm về văn thơ, nhưng cuộc tọa đàm ở Cần Thơ lần này thực sự để lại ấn tượng sâu sắc. Từ người tham luận đến người dự khán, ai ai cũng nghiêm túc, nhiệt tình lắng nghe và thưởng thức”.
Nhà văn Đỗ Nguyên Thương cũng chia sẻ rằng, bà ấn tượng với sinh viên Trường Đại học Cần Thơ. Cách các bạn đặt câu hỏi với diễn giả đầy tâm huyết và “sát sườn”, thể hiện sự quan tâm đến văn học nước nhà. Có sinh viên đặt câu hỏi rất thú vị: “Ngày nay học sinh, sinh viên nhiều người chưa chịu khó đọc sách, nhiều người chưa yêu thích văn thơ, vậy nhà thơ Phan Hoàng sáng tác thể thơ 1-2-3 nhằm mục đích gì và ông có cách nào đó để định hướng công chúng yêu thích hoặc phát triển thể thơ này hay không?”. Câu hỏi tưởng đơn giản nhưng lại rất “khó” ấy cho thấy sự quan tâm của giới trẻ với văn học và văn hóa đọc. Em Nguyễn Lan Phương, sinh viên, chia sẻ: “Buổi sinh hoạt đã khơi dậy tình yêu văn chương trong em hơn nữa và thôi thúc em sáng tác”.
Thật vậy, những từ “làm thơ”, “viết văn” hay “sáng tác” đôi khi được các bạn sinh viên cho là chuyện “to tát”. Có sinh viên tâm sự rằng, bạn từng “thử” làm thơ nhưng chỉ giữ cho riêng mình vì không đủ tự tin, không dám cho người khác đọc hay gửi đăng báo. Với những chia sẻ của sinh viên, Ths Phạm Khánh Duy, tức nhà văn 9X Hoàng Khánh Duy, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, đã động viên các bạn mạnh dạn sáng tác. Chính thực tế bản thân nhà văn Hoàng Khánh Duy là câu chuyện truyền cảm hứng. Anh sáng tác, có sách ra mắt ngay từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ và nay đã sở hữu hàng chục đầu sách ở nhiều thể loại, từ truyện ngắn, tản văn, phê bình văn học… Phấn đấu học tập, trau dồi và mạnh dạn sáng tác, thử sức bản thân là thông điệp nhà văn, giảng viên trẻ gửi tới sinh viên.
“Ngọn lửa” được truyền trong buổi tọa đàm chính là những tiết mục đọc thơ, ngâm thơ của sinh viên. Ấn tượng nhất có lẽ là tiết mục kịch thơ “Cần Thơ – Thành phố tình yêu” của sinh viên lớp Văn học và lớp Báo chí khóa 50. Dù là “cây nhà lá vườn” nhưng tâm huyết và tình yêu văn chương là điều dễ cảm nhận. TS Tạ Đức Tú, Phó Trưởng Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, hy vọng rằng, từ cuộc tọa đàm về thơ 1-2-3, sẽ mở ra những cuộc tọa đàm khác về văn học dành cho sinh viên thời gian tới.
Theo nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, Hội Nhà văn thành phố và một số Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương khu vực ĐBSCL đang lâm vào tình trạng khủng hoảng lực lượng kế thừa, hầu hết các nhà văn hội viên đều cao tuổi. Vì nhiều lý do khách quan, Hội không tổ chức được các hoạt động thu hút các bạn trẻ yêu văn chương làm tiền đề cho việc kết nạp hội viên ở giai đoạn sau. Do vậy, việc giới thiệu đến các bạn sinh viên hoạt động mang tính đặc thù thế này là rất cần thiết. “Qua đó, khơi gợi lòng yêu thích văn chương ở các em sinh viên, là nguồn động viên rất lớn để các em đến với đam mê văn học và việc chọn lựa nghề nghiệp sau này”, nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, đồng thời cho biết ngoài Trường Đại học Cần Thơ, sắp tới Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ sẽ phối hợp với các trường học trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động văn chương hướng đến học sinh, sinh viên.
Nguồn: https://sovhttdl.cantho.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=trangchitiet&urile=wcm%3Apath%3A/sovhttdllibrary/sitesovhttdl/noidungtrang/vanhoa/quanlyvanhoa/nhiemvukhac/truyenluasangtacvanhoc