Thị trường Halal toàn cầu là thị trường rất tiềm năng xét về quy mô dân số cũng như nhu cầu tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, đa dạng trên nhiều lĩnh vực với trị giá hàng ngàn tỉ USD. Theo các chuyên gia, cùng với sự quan tâm của Chính phủ đối với thị trường Halal, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn Halal khắt khe, kết nối tìm kiếm những cơ hội mới và từng bước khẳng định vị thế tại thị trường đầy tiềm năng này.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Pataya, một trong những DN ở TP Cần Thơ đã có chứng nhận Halal.
Cơ hội mới từ thị trường mới
Halal trong tiếng Ả Rập có nghĩa là “được phép” hay “hợp pháp” và được dùng để chỉ các quy chuẩn tôn giáo theo chuẩn mực, giá trị của người Hồi giáo theo kinh Cô-ran và Luật Sa-ri-a. Theo tiêu chuẩn Halal, những sản phẩm, dịch vụ để được người Hồi giáo sử dụng bắt buộc phải tuân theo tiêu chuẩn Halal và phải đạt được chứng nhận Halal. Theo bà Nguyễn Thị Thái Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Ðông – châu Phi, Bộ Ngoại giao, ngành công nghiệp Halal bao gồm thực phẩm và đồ uống, du lịch, dược phẩm, mỹ phẩm, chất phụ gia thực phẩm, thực phẩm bổ sung, thuốc và vaccine, tài chính Hồi giáo, logistics, sản phẩm thuộc da, bảo hiểm, truyền thông… Trong đó, quy mô thị trường thực phẩm Halal năm 2022 đạt trên 2.354 tỉ USD và dự báo đến năm 2029 có thể đạt 4.987 tỉ USD. Về du lịch, số người Hồi giáo đi du lịch quốc tế năm 2022 đạt 110 triệu người và ước tính đến năm 2028 có thể đạt đến 230 triệu người. Chi tiêu cho du lịch của người Hồi giáo dự kiến đạt 325 tỉ USD năm 2030. Bên cạnh đó, thị trường dược phẩm và mỹ phẩm Halal cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển với tốc độ tăng trưởng hằng năm
từ 8,5-9%…
Theo PGS Lê Phước Minh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Ðông, Trường Ðại học Ngoại thương (Hà Nội), Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal nhờ có vị trí địa lý gần thị trường Halal với gần 62% dân số theo đạo Hồi ở châu Á, có nguồn nguyên liệu dồi dào như gạo, cà phê, trà, hải sản, gia vị, đậu, rau và trái cây… Bên cạnh đó Việt Nam đang tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới và đáp ứng được yêu cầu về chất lượng tại các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật… Ðây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam có thể tiếp cận với thị trường Halal. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều người Việt Nam, DN Việt Nam biết đến thị trường Halal. Quá trình chứng nhận Halal tại Việt Nam vẫn phức tạp và chưa hài hòa với thế giới.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Ðào tạo và Tư vấn DN, Trường Ðại học Ngoại thương (Hà Nội), DN Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường hàng tỉ dân này nhưng điều kiện cũng rất khắt khe. Thị trường Halal là thị trường lớn, trọng tâm của Việt Nam và Chính phủ đang mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thị trường này. Muốn vào bất kỳ thị trường xuất khẩu nào cũng là vấn đề rất phức tạp. DN Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, tiếp cận thông tin, hiểu sâu hơn về văn hóa của các nước Hồi giáo, hiểu sâu sắc các vấn đề về văn hóa, lối sống, tâm linh của người Hồi giáo, hiểu quy chuẩn Halal là gì và làm thế nào để tiếp cận, đưa được sản phẩm xuất khẩu phù hợp với thị trường khó tính nhưng cũng rất giàu có này.
Tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh
Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Halal. Năm 2022, Bộ đã trình Chính phủ thông qua đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Qua 2 năm triển khai đã huy động được các nguồn lực để phát triển ngành Halal một cách bài bản, toàn diện. Theo đó, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm đưa các nội dung hợp tác về Halal vào trong các trao đổi, tiếp xúc đặc biệt ở cấp cao. Thúc đẩy đàm phán và ký kết một số thỏa thuận song phương về hợp tác liên quan đến Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Ðồng thời, tăng cường xúc tiến, quảng bá sản phẩm Halal, hỗ trợ DN, địa phương Việt Nam kết nối với các đối tác trên thị trường Halal toàn cầu. Ðẩy mạnh giao lưu, tìm hiểu về văn hóa, phong tục Hồi giáo khi muốn kinh doanh hiệu quả và thực chất với người Hồi giáo. Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Halal, chỉ đạo các cơ quan đại diện tại các thị trường Halal tiềm năng trên thế giới tích cực nghiên cứu, cung cấp thông tin về các thị trường Halal trọng điểm.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Trung Ðông – châu Phi, Bộ Ngoại giao, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên có thế mạnh như nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dược phẩm, mỹ phẩm, dệt may thời trang và các ngành công nghiệp để phục vụ phát triển các ngành này. Về thị trường ưu tiên cần tập trung vào khu vực Ðông Nam Á, Nam Á, Trung Ðông, châu Phi, châu Mỹ; châu Âu, các thị trường có dân số Hồi giáo và thu hút lượng lớn khách du lịch là người Hồi giáo. Ðồng thời, cần thúc đẩy hợp tác Halal giữa Việt Nam và các nước Hồi giáo, phi Hồi giáo. Sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các quy định về Halal. Tăng cường đổi mới, sáng tạo, xúc tiến quảng bá các sản phẩm Halal, hỗ trợ kết nối DN, địa phương của Việt Nam với các đối tác thị trường Halal trên toàn cầu. Về phía DN cần thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại về Halal với các đối tác tiềm năng, tăng cường thu hút đầu tư từ các đối tác của các quốc gia Hồi giáo, phi Hồi giáo, đổi mới sáng tạo trong thu hút du lịch Halal, tạo ra các sản phẩm du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Cần thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực bài bản chuyên nghiệp trong tất cả những ngành có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực Halal.
Theo PGS Lê Phước Minh, DN Việt Nam cần chi phí cao để đầu tư dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng và nguồn nguyên liệu an toàn cho các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal, tuân theo các tiêu chuẩn Halal. Tuy nhiên, chứng nhận tiêu chuẩn Halal được xem như tấm hộ chiếu để DN đến với thị trường Halal. Các quốc gia khác nhau lại đòi hỏi các tiêu chuẩn Halal khác nhau. Vì vậy, DN cần chủ động trang bị thông tin, tìm hiểu về quy trình chứng nhận Halal, đầu tư vào các dây chuyền sản xuất, thiết bị chuyên dụng, nguồn nguyên vật liệu an toàn trong các khâu của chuỗi cung ứng toàn cầu của Halal, tuân theo các tiêu chuẩn của Halal. Chính phủ cũng quan tâm hơn đến việc chinh phục thị trường Halal và cần quan tâm thu hút đầu tư FDI, đầu tư Halal trong nước để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm Halal; thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu sang thị trường Halal.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/11/Phat-trien-ben-vung-toan-dien-chuyen-nghiep-nganh-Halal.html