Cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ từ suy giảm chung của nền kinh tế thế giới và trong nước khiến người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Đặc biệt với các hệ thống siêu thị còn bị áp lực cạnh tranh trước những loại hình kinh doanh mới, điển hình là thương mại điện tử. Để xoay chuyển trước khó khăn, bên cạnh đa dạng nguồn hàng, tăng cường những chương trình giảm giá, khuyến mãi, các siêu thị còn xây dựng thêm các giải pháp kinh doanh để kích cầu tiêu dùng.
Nỗ lực tăng doanh thu
Theo đại diện các siêu thị đang hoạt động tại TP Cần Thơ, do tác động tiêu cực từ ảnh hưởng nền kinh tế chung, mặc dù các đơn vị tích cực luân phiên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng, nhưng sức mua hàng hóa 9 tháng năm 2024 sụt giảm đáng kể, bình quân giảm 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Sụt giảm mạnh nhất là mặt hàng may mặc, hàng gia dụng, đồ dùng gia đình. Khách hàng đến siêu thị phần lớn mua các loại hàng hóa thiết yếu, thực phẩm; giá trị giỏ hàng giảm đáng kể. Nguyên nhân được các đơn vị đưa ra, đó là bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn chung, người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu, các đơn vị còn phải chịu sự cạnh tranh từ hình thức thương mại điện tử thông qua các trang mua sắm trực tuyến và mạng xã hội.
Hoạt động kinh doanh tại siêu thị GO! Cần Thơ.
Ông Nguyễn Minh Lương, Giám đốc siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ cho biết, tại LOTTE Mart luôn đảm bảo đa dạng nguồn hàng phục vụ đủ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng. Cùng đó, các chương trình giảm giá, khuyến mãi được luân phiên thực hiện. Tuy nhiên, 9 tháng năm 2024 doanh thu của siêu thị đạt trên 90% so kế hoạch đề ra. Đa dạng hình thức kinh doanh để tăng doanh thu là việc mà siêu thị hướng đến. Trong đó, mảng kinh doanh online ghi nhận được sự tăng trưởng đáng kể. Hiện nay, cùng với hệ thống trên toàn quốc, LOTTE Mart Cần Thơ đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Dự kiến, siêu thị LOTTE Mart Cần Thơ dự trữ khoảng 70 tỉ đồng tiền hàng hóa phục vụ 45 ngày trước Tết.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại miền Trung, miền Nam của Central Retail Việt Nam (chủ quản hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market) cho biết, để kích cầu, Central Retail Việt Nam thực hiện các chương trình giảm giả khuyến mãi như giảm 10% đơn hàng mua thực phẩm tươi sống trước 10 giờ sáng, giảm giá các mặt hàng tiêu dùng lên đến 50%…
Hệ thống siêu thị Winmart và chuỗi cửa hàng Winmart+ cũng đang tích cực đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trên cả nền tảng điện tử. Theo đó, khách hàng có thể đặt hàng qua điện thoại tại các cửa hàng gần nhất, hoặc đặt hàng qua app VinID, chỉ cần chọn tính năng đi chợ. Với nhiều mặt hàng đa dạng từ rau, quả, thịt tươi sống, đồ khô, đồ tạp hóa… luôn được giảm giá từ 15-20% và được giao đến tận nhà trong vòng 2 giờ (đơn hàng từ 500.000 đồng trở lên được miễn phí giao hàng). Nhờ nỗ lực kích cầu tiêu dùng qua nền tảng số, doanh thu Winmart+ ổn định, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Những tháng cuối năm được xem là cơ hội để thúc đẩy kinh doanh tiêu thụ sản phẩm của các nhà bán lẻ. Để chuẩn bị mùa kinh doanh này, đến nay hầu hết các siêu thị đều có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và cam kết không thiếu hàng cung ứng thị trường.
Nâng sức cạnh tranh
Nhận thấy những thay đổi trong thói quen mua sắm, bên cạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối với mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini các nhà bán lẻ lớn còn bắt tay nâng cấp cửa hàng tạp hóa truyền thống trở thành cửa hàng bán lẻ hiện đại.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) là đơn vị tiên phong nâng cấp cửa hàng tạp hóa truyền thống thông qua việc mở cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Những cửa hàng này có diện tích kinh doanh từ 20-200m2, chủ yếu nằm ở các khu dân cư, trường đại học… Hàng hóa tại các điểm bán này đa dạng từ hàng thiết yếu đến thực phẩm tươi sống. Tại TP Cần Thơ, mô hình này đang được Saigon Co.op nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
MM Mega Market Việt Nam triển khai mô hình Giá tốt. Mục tiêu nhằm nâng tầm mô hình bán lẻ truyền thống trở nên hiện đại cả trong diện mạo cửa hàng cũng như hệ thống quản lý. Đây là mô hình hợp tác giữa MM Mega Market các chủ cửa hàng tạp hóa truyền thống để giúp họ xây dựng cửa hàng mới hoặc chuyển đổi từ mô hình tạp hóa truyền thống sang mô hình bán lẻ hiện đại. MM Mega Market này còn giúp chủ tiệm tạp hóa tiếp cận chuỗi cung ứng chuyên nghiệp về thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, được bảo đảm nguồn gốc từ các nhà cung cấp lớn hoặc được thu mua trực tiếp từ nông dân, các vùng nguyên liệu lớn trên cả nước.
Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi cho biết, tại Cần Thơ, MM Mega Market kết hợp với các cửa hàng tạp hóa xây dựng khoảng 100 điểm Giá tốt. Khi tham gia dự án Giá Tốt bên cạnh được cung cấp nguồn hàng ổn định, tiệm của bà còn được đào tạo cách bán hàng, chăm sóc khách hàng, niêm yết giá rõ ràng…
Central Retail Việt Nam chủ động chung tay cùng các nhà cung cấp trong hành trình thúc đẩy phát triển và hỗ trợ quảng bá hàng Việt Nam. Central Retail Việt Nam đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm địa phương của các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt là hàng nông sản, đặc sản địa phương với mong muốn không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn muốn tìm đơn vị sản xuất phù hợp để liên kết làm hàng nhãn riêng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hiện, trong hệ thống bán lẻ thực phẩm GO!, Big C lượng hàng Việt là trên 90%.
Ông Jose Mestre, Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Central Retail Việt Nam, cho rằng, thu nhập của khách hàng giảm, không có nghĩa họ phải lựa chọn những sản phẩm có chất lượng đi xuống. Thay vào đó, đơn vị sẽ phải nỗ lực để mang đến nhiều lựa chọn, chủng loại sản phẩm đa dạng hơn để phù hợp với những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Chẳng hạn, người tiêu dùng có thế thay thế các sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn, đảm bảo tiêu chí chất lượng và giá cả. Để thực hiện được điều này một cách hiệu quả nhất, đơn vị dành nhiều thời gian để tìm kiếm và chắt lọc những nhà cung cấp có năng lực. Bên cạnh đó, Tập đoàn dành nhiều đầu tư cho việc phát triển chuỗi cung ứng cùng đội ngũ có kinh nghiệm để hàng hóa được vận chuyển từ nơi sản xuất đến kho tổng và sau đó đến các cửa hàng một cách nhanh nhất.
Mới đây Saigon Co.op tổ chức “Lễ công bố quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op”. Saigon Co.op là nhà phân phối tiên phong xây dựng và thực hiện chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu, góp phần tạo nên hệ sinh thái bán lẻ vừa hỗ trợ cho các địa phương vừa kết nối các nhà sản xuất, xây dựng nên hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn. Theo đó, Saigon Co.op thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp từ 6 tỉnh, thành (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang). Đây là các đối tác kinh doanh sản xuất và canh tác các mặt hàng nông sản Việt như bưởi da xanh, xoài, chuối, dưa lưới, thanh long, bắp cải trắng, cà chua, cà rốt, rau xà lách, dưa leo…
Quá trình quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op dự kiến kéo dài đến hết năm 2025, chia thành các giai đoạn 2 và 3, tại các tỉnh thành còn lại trên toàn quốc. Ngoài ra, Saigon Co.op hỗ trợ ứng vốn sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho 5 nhà cung cấp là các hợp tác xã và nhà cung cấp nguyên liệu địa phương chuyên canh các mặt hàng rau an toàn như dưa leo, cà chua beef, bắp cải trắng…
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, Saigon Co.op không ngừng nỗ lực và cải thiện chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu phân phối nhằm mang đến những sản phẩm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường; quan trọng hơn là thúc đẩy phát triển bền vững các doanh nghiệp Việt Nam cũng như là nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng không chỉ mang đến cho người dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm mà còn giúp nhà sản xuất ổn định đầu ra. Hơn thế nữa, đây là yếu tố then chốt giúp cho việc nhà phân phối đảm bảo nguồn cung ứng ổn định.
Bài, ảnh: KHÁNH NAM
Nguồn: https://www.vietnam.vn/cantho/wp-content/uploads/2024/10/Nganh-ban-le-xoay-chuyen-truoc-kho-khan.html