SGGPO
Chương trình hướng đến mục tiêu giúp người dân trồng cà phê có được kiến thức thực tế, khoa học, qua đó góp phần tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập gắn với tăng trưởng xanh…
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền phát biểu tại hội nghị |
Ngày 14-6, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp cùng Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tổ chức hội nghị triển khai chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023-2025.
Tính cấp thiết của chương trình
Tây Nguyên là vùng sản xuất cà phê trọng điểm (chiếm 92% diện tích cả nước), đóng góp lớn cho xuất khẩu, dư địa phát triển còn rất nhiều. Tuy nhiên, đứng trước thực trạng được cho là mang tính cấp thiết và hướng đến mục tiêu xây dựng được quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu áp dụng cho từng tỉnh vùng Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cùng các bên liên quan (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 5 tỉnh Tây Nguyên, Trạm Khuyến nông 15 huyện tham gia chương trình thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên) hợp tác triển khai thực hiện chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2023-2025.
Chương trình giúp sản xuất cà phê bền vững, giảm giá thành, tăng thu nhập cho người dân và các đối tác.
Trong nhiều năm qua, do sản xuất cà phê thường có lợi nhuận cao nên nhiều năm, nông dân thâm canh cà phê quá mức, gần như không bón phân hữu cơ, trong khi phân vô cơ sử dụng vượt quá khuyến cáo nhiều lần; sử dụng nước tưới cho cà phê cũng chưa thật khoa học, vừa lãng phí nước vừa gây ra xói mòn, rửa trôi. Một số hộ chưa xác định đúng thời điểm tưới nước lần đầu… Tất cả những yếu tố trên làm đất trồng cà phê bị suy thoái nghiêm trọng, quá trình chua hóa đất diễn ra nhanh hơn. Tuy hiện chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá tác động, song có thể thấy hệ sinh học đất (động vật và vi sinh vật có ích) đã bị ảnh hưởng lớn.
Cùng với đó, sản xuất cà phê tại Tây Nguyên chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, mưa phân bố không đều và hạn xuất hiện bất thường (mưa trong mùa khô, nắng hạn trong mùa mưa) xảy ra thường xuyên hơn. Chỉ riêng hạn năm 2016, 116.000 hecta cà phê bị ảnh hưởng, trong đó Đắk Lắk là 56.000 hecta. Diện tích cà phê bị mất trắng do hạn là gần 7.000 hecta (Cục Trồng trọt 2023).
Tổng hợp tác động của các yếu tố sinh học và phi sinh học đã làm cho sản xuất cà phê thiếu bền vững. Các loại dịch hại từ đất phát triển, đặc biệt là bệnh vàng lá thối rễ làm hàng trăm ngàn hecta cà phê phải tái canh, thậm chí phải hủy bỏ, nhiều diện tích bị rút ngắn chu kỳ kinh doanh, hiệu quả kinh tế giảm sút.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích tái canh giai đoạn 2014-2020 lên đến 90.000 hecta và 30.000 hecta khác phải ghép cải tạo, chiếm 18,5% tổng diện tích cà phê. Kế hoạch tái canh sẽ vẫn phải tiếp tục, dự kiến đến năm 2025 cần tái canh tiếp 75.000 hecta và ghép cải tạo thêm 32.000 hecta.
Tăng hiệu quả kinh tế, giảm phát thải khí
Chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” sẽ được thực hiện tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần cà phê và trồng xen với sầu riêng, hồ tiêu.
Chương trình hướng đến mục tiêu xây dựng được gói kỹ thuật hoàn chỉnh nhằm giúp người dân trồng thuần cà phê hoặc trồng cà phê xen sầu riêng, xen hồ tiêu có được kiến thức thực tế, khoa học, qua đó áp dụng vào canh tác góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thu nhập gắn với tăng trưởng xanh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính mà ngành nông nghiệp đang đề ra.
Chuyên gia của Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền phân tích các tác động tích cực của chương trình nếu được thực hiện một cách bài bản |
Hội nghị triển khai chương trình tại Đắk Lắk được xem là bước khởi đầu quan trọng, tập trung vào việc giới thiệu, thảo luận và trao đổi về việc chọn lựa địa điểm triển khai, cũng như tập huấn cho các cán bộ tham gia trong thời gian tới. Chương trình sẽ hướng đến mục tiêu tìm ra những hạn chế, vấn đề tồn tại trong các vườn cà phê trồng thuần và trồng xen, nhằm xây dựng quy trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đem lại hiệu quả kinh tế cao và tăng thu nhập cho người dân.
Điều này đảm bảo rằng sẽ có nhiều thí nghiệm chuyên sâu, từ diện hẹp đến diện rộng, từ các điều tra thực tế trên 500 hộ canh tác cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên, từ phân tích 200 mẫu đất ở các tầng canh tác cà phê trong các vườn trồng thuần, trồng xen (xen sầu riêng, hồ tiêu), trong các vườn cây già cỗi, vườn cây kinh doanh sung sức… để đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến canh tác cà phê hiện tại và dự báo cho 3 năm tới, đến đất trồng cà phê cũng như tìm hiểu về hệ sinh học đất. Đảm bảo rằng kết quả đạt được sẽ hỗ trợ tốt cho nông dân trồng cà phê khu vực Tây Nguyên, giúp họ áp dụng và tận dụng những thành tựu của chương trình một cách hiệu quả.