Thông tư 65/2020 TT-BCA quy định quyền hạn của cảnh sát giao thông (CSGT) trong tuần tra, kiểm soát như sau:
– Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Thông tư 65/2020 TT-BCA và quy định khác của pháp luật có liên quan…
– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
– Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
– Được trang bị, lắp đặt, sử dụng phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an.
– Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ách tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
– Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong quyền hạn của CSGT, không đề cập việc rút chìa khóa xe của người vi phạm.
Bên cạnh đó, về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 chỉ rõ 9 biện pháp bao gồm: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính…
Trong đó, có thể thấy không nhắc tới việc CSGT được quyền rút chìa khóa phương tiện của người vi phạm. Bởi vậy, việc tự ý rút chìa khóa xe (nếu có) của người thi hành công vụ là hành vi không phù hợp.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc rút chìa khóa xe có thể được coi như một biện pháp ngăn chặn hợp pháp và nằm trong giới hạn quyền dừng, kiểm soát người, phương tiện của CSGT. Ví dụ, nếu CSGT ra tín hiệu dừng xe nhưng người vi phạm nồng độ cồn tỏ thái độ thách thức, cố ý tăng ga nhằm bỏ trốn hay cố tình lao xe vào lực lượng chức năng. Khi đó, việc rút chìa khóa là cần thiết nhằm thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi của người vi phạm.
Ngược lại, nếu người vi phạm hợp tác, tuân thủ hiệu lệnh và không tỏ thái độ chống đối, hành động thu giữ chìa khóa xe là không phù hợp.
Như vậy, trong tình huống dừng xe để kiểm tra hành chính hoặc kiểm tra nồng độ cồn thông thường, nếu CSGT tự ý thu giữ chìa khóa xe là hành động không phù hợp. Tuy nhiên, đối với các tình huống nguy hiểm, xuất hiện sự chống trả hay các hành vi vi phạm nghiêm trọng hơn, CSGT có quyền rút chìa khóa phương tiện để thực hiện quyền kiểm soát phương tiện, ngăn chặn hành vi vi phạm.
Minh Hoa (t/h)