Mặc dù truyền thông và các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều, nhưng thời gian gần đây, nhiều người dân vẫn tiếp tục “dính bẫy” lừa đảo qua mạng xã hội. Các “quái chiêu” lừa đảo cũng thay đổi liên tục về phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khiến không ít người bị dễ dàng bị mất số tiền lớn trong thời gian ngắn. Kiếm tiền khi thực hiện nhiệm vụ trên TikTok là một trong những hình thức lừa đảo đang có nhiều diễn biến phức tạp hiện nay.
Một người tham gia kiếm tiền qua mạng xã hội TikTok đã bị mất số tiền lớn sau nhiều lần chuyển khoản. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Lừa đảo chiếm đoạt tiền khi mời follow (theo dõi) các trang TikTok đã xuất hiện vài năm trở lại đây. “Chỉ cần ngồi ở nhà, xem video và nhấn follow các trang TikTok của những người nổi tiếng của công ty để tăng lưu lượng truy cập và nâng cao độ nổi tiếng của họ để kiếm tiền” là những miếng mồi mà các nhân viên “chăm sóc khách hàng” (CSKH) “mật ngọt” mời chào. Khi “dính bẫy”, người tham gia sẽ được hướng dẫn làm nhiệm vụ xem video, nhấn follow TikTok thông qua mạng xã hội Telegram hoặc một số website trung gian.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại đây, người tham gia sẽ được nhân viên CSKH cho vào một nhóm “sơ cấp” để thực hiện các nhiệm vụ. Theo đó, người tham gia chỉ cần vào TikTok tìm tên hoặc link TikTok của người nổi tiếng được chủ phòng gửi và nhấn follow, sau đó chụp màn hình gửi nhân viên CSKH “chốt đơn” để hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành 3 đơn nhiệm vụ, người tham gia sẽ được công ty quyết toán số tiền 30.000 đồng và sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng. Mỗi ngày, người tham gia có thể được thực hiện khoảng 10 – 15 nhiệm vụ mà nhân viên CSKH đưa ra, với số tiền kiếm được từ 150.000 – 200.000 đồng.
Tuy nhiên, đây chỉ là những miếng mồi nhỏ “nhử” và tạo lòng tin. Tiếp sau đó, người tham gia sẽ được chuyển vào các nhóm “cao cấp” hơn. Trong các nhóm này, cùng với việc nhận các nhiệm vụ có mức giá cao hơn, từ hàng trăm tới hàng triệu đồng/nhiệm vụ thì người tham gia sẽ phải chuyển khoản số tiền tương ứng để “cọc”. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ các đơn hàng này, người tham gia sẽ được trả lại nguyên vẹn số tiền chuyển khoản, đồng thời nhận thêm 10% hoa hồng của số tiền đó. Cứ thế, người tham gia tiếp tục được nâng cấp nhóm lên các nhóm nhận nhiệm vụ và số tiền chuyển khoản lớn hơn, lên tới hàng trăm triệu đồng.
Một số người tham gia đã mất số tiền lớn lên tới hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng sau khi chuyển khoản số tiền lớn nhận nhiệm vụ nhưng ngay sau đó, phía chủ phòng và nhân viên CSKH đột nhiên không liên lạc được. Không những vậy, một số nạn nhân còn liên tiếp bị dẫn dắt để tiếp tục nạp tiền với hy vọng lấy lại được số tiền đã chuyển khoản trước đó.
Theo lời kể của một nạn nhân, họ được dẫn dắt thực hiện các nhiệm vụ với số tiền tăng dần từ 7 lên 18 triệu đồng, 90 triệu đồng, rồi 250 triệu đồng… Và, phía bên chủ phòng yêu cầu theo hết lệnh mới được rút tiền về. Vì tiếc tiền và vì trong nhóm có nhiều thành viên “mồi nhử” nhận lại được toàn bộ số tiền khi thực hiện xong nhiệm vụ nên người này đã mù quáng vay mượn “nóng” số tiền lớn để tham gia. Tuy nhiên, mỗi khi thực hiện “rút tiền”, nhân viên CSKH lại báo nhiều lý do, như: người chơi thực hiện sai nhiệm vụ, sai mật khẩu và yêu cầu người tham gia tiếp tục nạp thêm tiền để xác minh tài khoản… Cứ thế, bên phía chủ phòng dẫn dắt khách hàng nạp số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Khi tỉnh ngộ, thì số tiền đã mất quá nhiều.
Theo khuyến cáo của lực lượng chức năng, kiếm tiền online từ tương tác video TikTok thực chất là hình thức vẽ ra các nhiệm vụ trá hình để kêu gọi người dùng nạp tiền rồi bất ngờ không liên hệ được và chiếm đoạt tài sản. Các website hầu hết hoạt động dưới dạng ẩn danh, không rõ ràng về nguồn gốc nên khi gặp rủi ro rất khó giải quyết. Bên cạnh việc bị lừa mất tiền, các nạn nhân tham gia lướt TikTok kiếm tiền này còn có nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân, bởi khi tham gia thì việc đầu tiên là cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng để giao dịch và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sau.
Được biết, hầu hết các nạn nhân bị lừa tiền từ việc làm trên TikTok đã làm đơn gửi Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, hiện đang chờ xử lý. Tuy nhiên, phần lớn các tài khoản nhận tiền là tài khoản mà các nhóm lừa đảo sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người khác để đăng ký hoặc tài khoản bị chiếm đoạt quyền điều khiển. Số tiền này sẽ nhanh chóng bị chuyển sang tài khoản khác, thậm chí các tài khoản ở nước ngoài, nên việc “đòi” lại rất khó khăn. Để bảo vệ mình, người dùng mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng, nhất là khi làm việc thông qua các nền tảng này. Trong đó, cần đặc biệt cảnh giác với các vấn đề đầu tư sinh lời để tránh dính bẫy từ những chiếc bánh vẽ “kiếm tiền online”.
Bài và ảnh: Tùng Lâm