Cảnh giác với bệnh dại
Thời gian qua, số người tử vong vì bệnh dại bất ngờ gia tăng. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 trường hợp tử vong và 3 tháng đầu năm 2023 đã có 23 trường hợp tử vong do bệnh dại. Năm 2022, tỉnh Bình Ðịnh cũng ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì bệnh này. Ðể phòng bệnh dại, người dân nên thực hiện nghiêm khuyến cáo của cơ quan chức năng để bảo vệ tính mạng và những người xung quanh.
Nhiều người tiêm vắc xin phòng bệnh dại
Khoảng 16 – 16 giờ 30 phút ngày 2.6, tại phòng tiêm chủng, TTYT huyện Tây Sơn có 3 người dân đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại, trong đó có cả người lớn và trẻ em. Bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi, ở xã Bình Thành, huyện Tây Sơn) cho biết: Tôi bị chó cắn do bất cẩn khi đến nhà khách hàng để mua gà. Nhờ được truyền thông về bệnh dại nên tôi lo đi chích ngừa ngay.
Cùng lúc, em Nguyễn Tân Thịnh (7 tuổi, ở xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) cũng đến nghe tư vấn vì bị chó hàng xóm cắn. Mẹ em Thịnh chia sẻ: Nhà tôi cũng có nuôi chó và được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, cháu Thịnh sang nhà hàng xóm chơi, bị chó cắn nên tôi đưa cháu đi tiêm phòng cho an toàn.
Trước đó, cùng ngày 2.6, khoảng 9 giờ, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng có 5 người đang chờ tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại. Bà Võ Thị Tuyết Minh (76 tuổi, ở phường Nhơn Phú) cho biết: Tôi bị mèo cắn khi ẵm nó ra khỏi bồ lúa. Máu ra nhiều nên tôi đến Trung tâm để được tư vấn hướng dẫn.
Bà Nguyễn Thị Liên được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại sau 2 ngày bị chó cắn. Ảnh: Đ. THẢO |
Theo khuyến cáo của ngành y tế, những ngày này, trời nắng nóng kéo dài, nguy cơ bùng phát bệnh dại chó, mèo rất cao. Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 4.759 người tiêm vắc xin phòng dại, trong đó có 333 người tiêm huyết thanh kháng dại, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về nguyên nhân số người phơi nhiễm với virus dại tăng, bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Thứ nhất là dịch Covid-19 đã được kiểm soát nên người dân chủ động đi tiêm phòng khi bị phơi nhiễm, đồng thời nhiều cơ sở dịch vụ tiêm phòng được mở cửa nên người dân dễ tiếp cận. Hiện nay, số lượng người nuôi thú cưng cũng như số lượng thú cưng tăng khá nhiều, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng bằng cảm quan cũng có thể nhận ra điều này và như thế cũng tạo ra nguy cơ. Bệnh dại xuất hiện quanh năm nhưng mùa hè, thời tiết nắng nóng dễ bùng phát bệnh dại ở chó, mèo hơn, người dân nên hết sức chú ý.
Không nên nặn, bóp vết thương
Để phòng bệnh dại, các địa phương cũng đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền. Đồng thời chủ động trong việc dự trù, dự trữ, mua sắm, đảm bảo đáp ứng đủ vắc xin phòng, chống dịch dại và huyết thanh kháng dại cho nhân dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, ngay cả khi đã tuân thủ nghiêm túc việc tiêm vắc xin cho vật nuôi, người dân cũng không nên chủ quan khi bị phơi nhiễm virus, hoặc bị vật nuôi đã tiêm vắc xin cào cắn và có vết thương. Khi mắc và phát bệnh tỷ lệ tử vong rất dễ lên đến 100%.
Bác sĩ Huỳnh Bá Thịnh khuyến cáo, virus dại tồn tại trong nước bọt của chó, mèo có thể lây nhiễm qua vết cắn, cào; chó mèo liếm lên vết thương hở của người cũng có thể truyền bệnh dại. Khi bị chó, mèo cắn, dù con vật đã được tiêm phòng, người dân vẫn nên đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và tiêm phòng. Vì con vật được tiêm phòng chỉ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh chứ không có nghĩa là hoàn toàn sẽ không bị mắc bệnh.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, ngoài tiêm phòng cho vật nuôi theo hướng dẫn của thú y, không nên nuôi thả rông, khi phát hiện chó, mèo có hiện tượng dại, nghi dại phải báo cho các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời. Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, những người có nguy cơ phơi nhiễm virus dại như thú y, người buôn bán giết mổ chó, người làm ở phòng thí nghiệm có tiếp xúc với virus dại thì nên tiêm phòng trước.
Còn đối với những người bị chó, mèo cắn, cào, liếm trên vết thương hở, bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền nhấn mạnh: Trước khi đến điểm tiêm vắc xin, mọi người nên xử lý vết thương ban đầu, có nghĩa là rửa sạch bằng nước dưới vòi nước chảy hoặc bằng xà phòng, sát trùng bằng cồn 45 – 70 độ, có thể rửa bằng rượu. Tuyệt đối không bóp, nặn hay đắp thuốc gì lên vết thương, tránh nguy cơ vết thương bị lan rộng. Khi bị chó, mèo cắn phải tiêm vắc xin càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ.
ÐỖ THẢO