Gần đây, trên các nền tảng trực tuyến Facebook, Zalo, TikTok, Zoom,… các thế lực phản động, thù địch đã và đang lợi dụng mạng xã hội để truyền bá các hoạt động tôn giáo trái phép. Đây cũng được coi là công cụ hữu hiệu cho các tà đạo hoạt động truyền đạo và lôi kéo người thiếu hiểu biết tham gia…
Người dân cần đề cao cảnh giác trước các tà đạo hoạt động phi pháp trên không gian mạng (chụp từ internet).
Trên không gian mạng đã và đang xuất hiện một số tà đạo như: “Giáo hội Phật giáo vũ trụ”, “Đạo Trời Thái Bình”,… Theo cơ quan chức năng, ngoài các tổ chức tôn giáo được phép hoạt động, thì các “hiện tượng tôn giáo mới” đều mang tính mê tín dị đoan, hoạt động tà đạo, phản khoa học, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự. Ví như “Đạo Trời Thái Bình” là một tà đạo, không được phép hoạt động tại Việt Nam. Còn “Giáo hội Phật giáo vũ trụ” cũng là một tà đạo mới xuất hiện. Nhóm này được tạo lập ngày 9-7-2022 với phần giới thiệu là nơi hội tụ những “Tinh Anh” của Vũ Trụ, với 1,3 nghìn thành viên. Người tạo nhóm này lúc lấy tên là “Thiên Đạo”, lúc tên là “Giáo Chủ”, “Núi Tu Dzi”. Nhóm này thường xuyên tổ chức live stream lên mạng để “tranh đàm luận đạo”. Tuy vậy, luận đàm thì không thấy mà chỉ thấy có nhiều người lớn tuổi cãi nhau, thậm chí chửi nhau…
Cùng với các tà đạo mới xuất hiện, sau một thời gian “Hội thánh Đức chúa trời mẹ” bị phát giác, xóa bỏ các tụ điểm sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh và cả nước, gần đây, hội này đã chuyển hướng hoạt động sang truyền giáo trực tuyến trên mạng xã hội với việc sử dụng một số ứng dụng như Zoom, Skype, Zavi,… Đối tượng hướng đến là học sinh, sinh viên, bởi các em có nhiều thời gian sử dụng những ứng dụng trên môi trường mạng nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hội, nhóm.
Song song với đó, các đối tượng cũng tổ chức sinh hoạt tôn giáo trá hình trên mạng nhằm hướng tới người già, người mắc bệnh nan y, dễ bị dụ dỗ tin theo. Cách thức tiếp cận rất tinh vi, không dùng hình ảnh tâm linh phản cảm, cúng bái cực đoan, mà dùng những thuật ngữ khoa học, triết lý nhân sinh, những câu chuyện hay, có logic để dụ dỗ, mê hoặc…
Cách thức hoạt động của các hội, nhóm này tương đối giống nhau. Khởi đầu là những dòng trạng thái câu “like” đơn giản trên Facebook, Zalo,… thậm chí, sử dụng các video trên TikTok, Youtube, những buổi livestream với những lý lẽ nhân văn cao đẹp, mời gọi “con mồi” tham gia các buổi hội thảo trực tuyến trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Một khi đã tham gia và tin theo, “con mồi” sẽ tham gia các nhóm kín, group không công khai, chỉ có những người tin theo mới được đăng ký thành viên để tham gia sâu hơn vào các hoạt động khác. Sau đó, dần dần tham gia tích cực vào hoạt động của hội, nhóm, hết mình cống hiến cho tà đạo, như đóng góp quỹ từ thiện, mua sách, tài liệu, thực phẩm dưỡng sinh…
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến năm 2022, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho khoảng hơn 40 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, trong đó có trên 54 nghìn chức sắc, trên 135 nghìn chức việc và gần 30 nghìn cơ sở thờ tự. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, sống “tốt đời đẹp đạo”, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam luôn coi trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người dân; nỗ lực bảo đảm các tôn giáo được hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật. Các cá nhân có quyền theo hoặc không theo tôn giáo; không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng; hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo hộ bằng pháp luật. Đồng thời pháp luật Việt Nam cũng quy định không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Tuy vậy, việc các tà đạo du nhập và hoạt động “chui”, biến tướng trên không gian mạng là vi phạm cả về pháp lý và đạo lý, các nguyên tắc cơ bản của khoa học, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, xúc phạm truyền thống văn hóa, đạo đức, xúc phạm đến các tôn giáo chân chính, là tác nhân gây bất ổn tình hình an ninh trật tự, môi trường văn hóa của Nhân dân. Việc bị lôi kéo và tham gia sinh hoạt các tà đạo dù bất cứ hình thức nào cũng để lại nhiều hệ lụy không đáng có cho bản thân, gia đình và xã hội. Vì vậy, để tự bảo vệ mình và người thân, mọi người dân phải luôn đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lôi kéo của các tà đạo, đặc biệt là trên không gian mạng hiện nay. Để thực hành tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, trong khuôn khổ pháp luật, người dân nên lựa chọn tham gia các tôn giáo, tín ngưỡng hợp pháp, thận trọng, tỉnh táo trước hiện tượng tôn giáo mới, không để bị dụ dỗ, lôi kéo vào các hoạt động tâm linh mờ ám, phi pháp, nhất là khi tham gia mạng xã hội. Các cá nhân cần tạo lập đời sống văn hóa lành mạnh, sống hướng thiện, nhận thức đúng đắn về các sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, cộng đồng tăng cường kết nối, tương trợ nhau,… nhờ vậy sẽ hình thành khả năng tự đề kháng trước hoạt động núp bóng tôn giáo, phản văn hóa, đi ngược thuần phong mỹ tục cũng như quy định của pháp luật.
Lê Phượng