Qua đường dây nóng Báo Bạc Liêu, chị T.Y.N phản ánh chị vừa gặp phải vấn đề về tiền giả. Câu chuyện xuất phát từ việc con trai chị sau giờ học mang tiền về nhờ mẹ đổi để chuyển khoản vào tài khoản của cháu. Tiền con đưa, chị không để ý, bỏ vào ví. Đến lúc đi uống cà phê với bạn bè, chị mang tờ tiền đó ra trả (200.000 đồng) thì mới tá hỏa phát hiện, đó là tờ tiền giả.
Khi về nhà chị hỏi con thì được biết, con dùng tờ tiền 500.000 đồng đi mua hàng hóa và được thối lại tờ tiền 200.000 đồng giả đó. Do các con còn nhỏ nên không để ý, càng không có kinh nghiệm phân biệt tiền thật, tiền giả. Chị Y.N lo lắng cho biết, như vậy rõ ràng có người xấu cố tình dùng tiền giả để tráo đổi cho những người, nhất là người già, trẻ em, học sinh vì biết đây là những đối tượng ít cảnh giác, không có kinh nghiệm trong phân biệt tiền thật, tiền giả.
Ngược với trường hợp của mẹ con chị Y.N, ông Q.T bán tạp hóa lại bị 2 đối tượng đến mua hàng bằng tiền giả. Ông T. kể, lúc đó có 2 người tới mua hàng tổng giá trị hơn 150.000 đồng, họ đưa tờ tiền 500.000 đồng. Do sơ suất nên ông T. không nhận ra đó là tiền giả. Đến khi con ông đi làm về, mới phát hiện ra. Ông T. nói, họ làm cho mình bị áp lực lấy hàng hóa gấp gáp nên mình mới sơ suất. Âu cũng là bài học kinh nghiệm.
Ảnh minh họa: Internet
Dù bị nghiêm cấm và có nhiều hình thức xử lý khi bị phát hiện lưu hành, mua bán tiền giả, tuy nhiên, tiền giả vẫn lén lút được lưu thông bằng nhiều con đường khác nhau, nhất là khi thói quen của chúng ta vẫn ưu tiên sử dụng tiền mặt rộng rãi.
Do đó, để cảnh giác với tiền giả, các chuyên gia về tiền tệ cho biết, các loại tiền giả hiện nay không có được các đặc điểm bảo an như tiền thật; nếu có thì chỉ mang tính mô phỏng, màu sắc có thể nhạt, hoặc đậm hơn tiền thật, họa tiết không sắc nét, tinh tế như tiền thật. Đặc biệt là dùng tay có thể cảm nhận được tiền thật và tiền giả, do tiền thật dùng rất nhiều công nghệ đặc biệt để in ấn. Một trong những cách thủ công đơn giản nhất là dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra. Đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền không bị nhăn, bằng phẳng trở lại như ban đầu. Còn tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì giống như một tờ giấy bị bóp nát, không có sự đàn hồi…
Pháp luật hiện hành đã quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả. Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước quy định, hành vi làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207, theo đó, người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 – 7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 – 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 – 20 năm hoặc tù chung thân.
KIM KIM