7 tháng năm 2023, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau tiếp nhận 47 ca SXH được điều trị tại khoa nhiễm, trong đó có 5 trường hợp chẩn đoán sốc SXH Dengue nặng và 2 ca có dấu hiệu cảnh báo. Chỉ tính riêng trong tháng 7, bệnh viện tiếp nhận 13 ca SXH nhưng có 3 ca được chẩn đoán sốc SXH Dengue nặng và 2 ca có dấu hiệu cảnh báo.
Vào mùa mưa dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, người dân cần sớm đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu sốt kéo dài
Bác sĩ CK1 Nguyễn Văn Lăng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, thông tin, nguyên nhân gây SXH là do muỗi chích, truyền vi rút qua người (muỗi Aedes – muỗi vằn). Thời kỳ cao điểm của SXH thường vào mùa mưa, từ tháng 7-10. SXH hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc phát hiện và điều trị bệnh rất quan trọng.
“Triệu chứng SXH chung ở người lớn và trẻ em là sốt, tuy nhiên, người lớn chỉ sốt nhẹ. Ðặc biệt, những người lớn tuổi, triệu chứng sốt thường hay bị bỏ qua dẫn đến phát hiện trễ, xử lý không kịp thời. Người lớn thường có rất nhiều bệnh nền, nên triệu chứng có khi không chú trọng đến bệnh SXH mà tập trung vào các bệnh lý khác. Trẻ em khi mắc SXH sẽ được chẩn đoán sớm hơn người lớn”, Bác sĩ Nguyễn Văn Lăng cho biết.
Ðang nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, ông Kim Văn Vũ, Khóm 7, Phường 8, TP Cà Mau, cho biết: “Ở nhà, tôi bị sốt, tự ra nhà thuốc mua thuốc uống 2 ngày nhưng không giảm, đến khi đi khám, bác sĩ xét nghiệm chẩn đoán bị SXH nên đã nhập viện điều trị”. Còn ông Trương Vũ Anh, Ấp 1, xã Tắc Vân, TP Cà Mau, cho biết: “Tôi bị đau đầu, sốt, tự ra mua thuốc uống nhưng không giảm, tới khi đi khám bệnh được bác sĩ chẩn đoán SXH nên nhập viện điều trị, đến nay sức khoẻ đã ổn, chắc vài ngày nữa sẽ xuất viện”.
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau.
Hiện nay, SXH đang vào mùa. Triệu chứng của bệnh dễ nhầm với bệnh sốt vi rút thông thường, khiến người bệnh chủ quan và bệnh dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Văn Lăng cho biết thêm, biến chứng của người lớn rất nhiều. Có 2 biến chứng nổi trội nhất trong dịch SXH, đầu tiên là xuất huyết tiêu hoá ở người lớn. Ở Việt Nam rất nhiều người lớn bị viêm loét dạ dày kết hợp với SXH, làm cho tiểu cầu giảm gây xuất huyết tiêu hoá. Biến chứng thứ hai là tăng men gan. Bệnh lý gan ở người lớn nhiều hơn trẻ em, suy gan trong SXH cực kỳ nguy hiểm. Ở Cà Mau có vài trường hợp phải chuyển lên tuyến trên do suy gan cấp. Ðó là 2 biến chứng nguy hiểm. Ở người lớn còn thể đặc biệt nữa là phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt thường rong kinh, lượng kinh nguyệt rất nhiều so với kinh nguyệt thông thường. Ðây cũng là biến chứng nặng nề do SXH gây ra.
“Ðể đối phó với tình hình dịch bệnh gia tăng, Khoa Truyền nhiễm đã tổ chức tập huấn cho tất cả bác sĩ về phác đồ mới của phòng chống SXH theo Quyết định số 2760/QÐ-BYT của Bộ Y tế ngày 4/7/2023 về việc “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị SXH Dengue”, Bác sĩ CK1 Nguyễn Văn Lăng chia sẻ.
Mỗi người dân cần chủ động tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị, phòng ngừa SXH để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cả gia đình. Khi có dấu hiệu nóng, sốt, người dân nên chủ động đến khám tại các cơ sở y tế để sớm được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh để bệnh trở nặng, gây nhiều biến chứng, nguy hiểm đến tính mạng./.
Phúc Duy