Theo các nhà quan sát, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 sẽ là mùa bầu cử đầu tiên của Mỹ chứng kiến các ứng dụng được hỗ trợ bởi AI được sử dụng rộng rãi. Về mặt tích cực, tiến bộ nhanh chóng của công nghệ này giúp các bên khai thác để tiếp cận cử tri một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Đơn cử, trước đây nhân viên trong các chiến dịch tranh cử phải dành rất nhiều giờ đồng hồ viết bài phát biểu, lên nội dung thảo luận, dự báo câu hỏi. Thế nhưng AI lại thực hiện công việc tương tự trong vòng “một nốt nhạc”. Công ty phân tích dữ liệu chính trị Numinar Analytics (Mỹ) vừa bắt đầu thử nghiệm một ứng dụng AI tạo tin nhắn được cá nhân hóa bằng giọng nói của bất kỳ ứng viên tổng thống nào.

 Cựu Tổng thống Mỹ Donaltd Trump bị cảnh sát áp giải do AI vẽ. Ảnh: Eliot Higgins.

Dẫu vậy, AI ngày càng làm mờ ranh giới giữa thực tế và hư cấu. Nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo rằng công nghệ này có khả năng gây ra “đại dịch” thông tin sai lệch trong đời sống chính trị xứ cờ hoa tới đây. Kẻ xấu có thể lợi dụng AI để giả mạo hình ảnh và âm thanh về các chiến dịch tranh cử nhằm tung hỏa mù hay đánh lừa báo chí cũng như dư luận.

Hãng tin AFP mới đây thử yêu cầu ứng dụng AI ChatGPT làm một bản tin về chiến dịch ủng hộ ông Trump nhưng cung cấp nội dung không có thật. Chỉ chớp mắt, ChatGPT tự sản xuất một tài liệu vô cùng bóng bẩy từ chính thông tin sai lệch đó. Khi AFP muốn bản tin này sẽ kích động dư luận, ChatGPT ngay lập tức đáp ứng với những ngôn từ không chuẩn mực. “Cử tri sẽ rất khó phân biệt thật giả. Hãy thử tưởng tượng hậu quả lớn nhường nào nếu những người ủng hộ các ứng viên tổng thống dùng AI để công kích, bôi xấu đối thủ”, Reuters dẫn lời nhà phân tích Darrell West tại Viện nghiên cứu Brookings (Mỹ) bày tỏ quan ngại.

Thậm chí, phần mềm sử dụng AI để mô phỏng con người (deepfake) cũng dần tác động tới chính trường Mỹ. Hàng loạt băng hình deepfake dựa trên nhiều cảnh quay trực tuyến, nhìn rất “thực” nhưng lại là giả mạo tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Joe Biden hay cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xuất hiện trên mạng xã hội. Mặc dù các nền tảng lớn như Facebook, Twitter, YouTube và TikTok đã nỗ lực ngăn chặn và loại bỏ deepfake, việc kiểm soát nội dung lại chưa hiệu quả. Những nội dung sai lệch, hư cấu bởi AI vẫn mọc lên như nấm sau mưa. Công ty phần mềm DeepMedia (Mỹ) ước tính khoảng 500.000 video và đoạn ghi âm deepfake sẽ được chia sẻ trên các mạng xã hội toàn cầu vào năm nay, nhiều gấp 3 lần so với năm ngoái. Việc nhân bản một giọng nói từng tiêu tốn hàng chục nghìn USD cho đầu tư máy chủ và chi phí đào tạo AI, nhưng giờ đây nhiều công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ này với giá chỉ “vài đồng bạc”.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tới đây càng nóng dần lên thì không gian chính trị nước Mỹ càng có thể bị bủa vây bởi thông tin sai lệch, trong đó có các nội dung do AI tạo ra. “Chúng ta cần chuẩn bị đối phó với vấn nạn này ở mức độ lớn hơn nhiều so với những kỳ bầu cử trước”, ông Dan Woods, cựu Giám đốc công nghệ cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của Tổng thống Joe Biden, chia sẻ với Reuters.

VĂN HIẾU