ĐỒNG THÁP Canh tác lúa sinh thái không chỉ giảm thiểu tác động từ hóa chất nông nghiệp mà còn tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng.
ĐỒNG THÁP Canh tác lúa sinh thái không chỉ giảm thiểu tác động từ hóa chất nông nghiệp mà còn tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng.
Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ
Việc bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp không chỉ là nhiệm vụ môi trường mà còn là lời cam kết của con người với thiên nhiên. Đồng Tháp đã cụ thể hóa cam kết này bằng Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ, kết hợp phục hồi hệ sinh thái và xây dựng mô hình sản xuất lúa sinh thái bền vững. Mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn mở ra hướng đi mới cho nông dân, kết nối sản xuất nông nghiệp với bảo tồn và phát triển kinh tế.
Từ vụ đông xuân 2023 – 2024, dự án trồng lúa sinh thái bắt đầu được triển khai trên diện tích 200ha tại khu vực tiếp giáp khu A4 của Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc các ô bao số 25 (xã Phú Đức) và ô bao số 43B (xã Tân Công Sính), huyện Tam Nông. Đến năm 2032, mô hình này dự kiến mở rộng ra toàn bộ khu vực vùng đệm, trở thành biểu tượng mới cho sự hòa hợp giữa sản xuất nông nghiệp và bảo tồn đa dạng sinh học.
Với đặc điểm canh tác hữu cơ, vùng lúa sinh thái không chỉ giảm thiểu tác động từ hóa chất nông nghiệp mà còn tận dụng lợi thế của mùa nước nổi để tái tạo hệ sinh thái đồng ruộng. Đặc biệt, sự phát triển của mô hình này còn mở ra cơ hội xây dựng thương hiệu “Gạo Sếu Tam Nông” – một sản phẩm đặc trưng không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu, tạo thu nhập ổn định và cải thiện sức khỏe cho cộng đồng dân cư.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, sự tham gia của 12.000 hộ dân sống quanh vùng đệm là yếu tố quyết định. Từ vụ hè thu 2023, dự án bắt đầu với quy mô 39ha và mới chỉ có 4 hộ nông dân tham gia. Tuy nhiên sau 4 vụ canh tác, diện tích đã tăng lên 312,5ha với sự góp mặt của 41 hộ vào vụ hè thu 2024, đây là một minh chứng rõ rệt cho sự đồng lòng của cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, một trong những nông dân tiên phong tham gia dự án tại xã Phú Đức, việc giảm lượng giống gieo sạ từ 20kg xuống 10kg mỗi công đất đã tiết kiệm được chi phí sản xuất. Nông dân tham gia mô hình không đốt rơm rạ, nhờ đó hạn chế khói bụi và ô nhiễm môi trường. “Trước đây, chúng tôi dùng nhiều phân hóa học, nhưng giờ đây chỉ sử dụng phân hữu cơ. Dù năng suất lúa có giảm đôi chút song lợi nhuận thực tế lại tăng lên nhờ tiết kiệm được chi phí” ông Mẫn chia sẻ.
Sự thay đổi trong thói quen canh tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn tạo dựng môi trường xanh – sạch – đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự trở lại của sếu đầu đỏ. Với người dân Tam Nông, loài chim sếu này không chỉ có ý nghĩa sinh thái mà còn mang giá trị tâm linh sâu sắc. Sếu đầu đỏ là biểu tượng của sự phồn vinh. Nơi nào sếu về, nơi đó cuộc sống của người dân sẽ đủ đầy hơn.
Lúa sinh thái và du lịch trải nghiệm
Ông Trần Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cho biết, hiện toàn huyện có 170ha sản xuất lúa hữu cơ. Đặc biệt, huyện đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, đã xây dựng kế hoạch sử dụng ứng dụng ghi chép sổ nhật ký điện tử, theo dõi đồng ruộng trên thiết bị thông minh. Đồng thời đăng ký nhãn hiệu gạo do HTX Quyết Tiến sản xuất, đồng thời đầu tư trang thiết bị cho việc chế biến sau gạo như bột gạo, mỹ phẩm, dược phẩm. Bên cạnh đó, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi để các công ty liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa trong mô hình cho nông dân.
Song song đó, xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho HTX, tổ hợp tác, hội quán, nông dân sử dụng nguồn rơm rạ tại chỗ để tái sử dụng sản xuất nấm rơm và giá thể hữu cơ, ủ phân hữu cơ truyền thống, làm thức ăn gia súc, góp phần tăng thêm thu nhập. Phát triển sản xuất lúa gắn với công nghệ sinh thái, tạo cảnh quan, dẫn dụ thiên địch… gắn với phát triển du lịch trải nghiệm.
Đặc biệt hơn, các mô hình lúa sinh thái ở Tam Nông không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Tràm Chim. Việc giảm thiểu sử dụng hóa chất nông nghiệp giúp cải thiện chất lượng đất và nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ sinh thái tự nhiên phục hồi, phát triển.
Ông Nam nhấn mạnh, vùng lúa sinh thái tại huyện còn được kỳ vọng gắn kết với du lịch sinh thái, biến những cánh đồng lúa thành điểm đến hấp dẫn cho du khách. Từ đó, không chỉ nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm gạo mà còn mang lại thu nhập cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Dù những cánh đồng lúa sinh thái tại Tam Nông đã tạo sự thay đổi đáng kể, số lượng sếu đầu đỏ trở về vẫn chưa nhiều. Tuy nhiên, trồng lúa sinh thái không chỉ là hành động canh tác mà còn là sứ mệnh bảo vệ sự sống. Nó giúp nông dân làm giàu không chỉ bằng tiền bạc mà còn bằng sự tự hào khi góp phần xây dựng môi trường an lành cho thế hệ mai sau. Và trên những cánh đồng xanh mướt ấy, tiếng kêu của sếu đầu đỏ sẽ vang lên như lời nhắc nhở về mối quan hệ gắn bó giữa con người và thiên nhiên.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/canh-dong-lua-sinh-thai-goi-seu-dau-do-tro-ve-d412847.html