Ngoài những cánh đồng ngập lũ ở An Giang, vùng Đồng Tháp Mười trải rộng trên ba tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp là nơi ngày nay có thể được trải nghiệm cảnh len trâu. Anh Ngô Thanh Bình (45 tuổi, quê Long An), cho biết tới mùa nước nổi là các nhiếp ảnh gia khắp ba miền tìm về xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa để chụp cảnh những đàn trâu băng đồng.
“Một mùa len trâu thật sự! Những hình ảnh tưởng chừng chỉ còn trong ký ức”, anh Bình nói. Khi con nước theo dòng sông Vàm Cỏ Đông đổ về vùng thượng huyện Đức Hòa, Long An, thì những cánh đồng cỏ năng co cụm trong mùa khô bỗng hóa xanh tươi, phát triển tốt là nguồn thức ăn lý tưởng cho các đàn trâu. Mỹ Hạnh Bắc có 5 hộ nuôi trâu, mỗi hộ có từ 20 đến 100 con, trong đó chủ châu là ông Năm Tuấn, 64 tuổi, có bề dày kinh nghiệm chăn trâu 25 năm.
Như thường lệ, ông Năm sáng nào cũng thả trâu và lùa chúng đi ăn cỏ. Khi những con gà cất vang tiếng gáy lúc bình minh là cả đàn trâu chộn rộn thức giấc, lần lượt di chuyển theo hàng trên đường bờ đê và tự do tản ra ăn cỏ. Trâu ở nơi này được thả đi ăn tự nhiên, không có buộc dây dẫn. Một bầy trâu lớn khi len trên đồng có khi của nhiều chủ trâu khác nhau nhưng ít khi nhầm lẫn hay bị lạc vì đối với những người chăn trâu lành nghề, nhìn vào đàn là nhận ra trâu của mình.
Lũ về, cỏ dồi dào, trâu ăn nhiều, con nào con nấy đều khỏe và mập tròn nên người chăn trâu không cảm thấy mệt bất kể len trâu lúc nắng hay mưa dầm. Trên bờ ruộng gần đó, lán trại của chủ trâu dựng tạm để canh giữ đàn trâu chạy đồng và đến chiều tầm 16 giờ thì lại lùa về chuồng.