(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Bác Hồ căn dặn: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không?… Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”. Thực hiện lời căn dặn của Bác, ngư dân Quảng Ngãi luôn một lòng “canh cửa” cho Tổ quốc. Nhiều người trong số đó đã vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân trao tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”…
Trường Sa, Hoàng Sa là nhà
Bước sang tuổi 85, lão ngư Trần Xề, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) vẫn dẻo dai chèo thúng ra thăm tàu vào những lần con trai ông là ngư dân Trần Văn Trung trở về từ ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Trao lại con tàu cho con trai mình gần chục năm, nhưng người thuyền trưởng từng thực hiện hàng nghìn chuyến biển ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa Trần Xề vẫn là người hướng dẫn, truyền kinh nghiệm cho con trai mình trong từng chuyến biển.
Ngư dân Trần Xề, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) cùng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” và hình ảnh kỷ niệm của ông tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Ý THU |
Trên tàu cá QNg 95693TS, thuyền trưởng Trần Văn Trung trong những lần đưa tàu thẳng tiến ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, vẫn luôn nhớ lời chỉ bảo của cha mình: “Sinh ra ở làng biển thì phải bám biển, sống nhờ vào biển. Nhà mình đã 4 đời bám biển. Nghề biển là nghề ăn sóng, nói gió, nhiều cơ cực, nhưng dù có thế nào con cũng phải đi biển, phải giữ biển”.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đi biển, ngư dân Trần Xề gắn bó với nghề biển, xem nghề biển như máu thịt. Ở làng biển Định Tân, ngư dân Trần Xề là lớp thế hệ ngư dân đầu tiên đưa tàu ra ngư trường Trường Sa để đánh bắt hải sản. Năm ông 30 tuổi, dù chỉ có tàu nhỏ, công suất 60CV và chỉ dựa vào la bàn cầm tay để dò đường, nhưng ngư dân Trần Xề đã can trường vượt qua nhiều sóng gió, khó khăn để đưa tàu ra tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá chuồn. “Ngày trước, tàu nhỏ, lại chưa có máy định vị, máy dò cá, mỗi chuyến vươn khơi đi Trường Sa, Hoàng Sa với tôi là một cuộc đấu trí. Ở cương vị thuyền trưởng, tôi phải canh sóng, canh gió, thuộc làu khu vực có rạn đá ngầm… Như vậy tôi mới có thể lèo lái, giữ cho tàu an toàn…”, ông Xề kể lại.
Năm 2011, dù đã bước sang tuổi 73, nhưng ông Xề vẫn còn đi biển cùng con trai, tham gia đánh bắt cá chuồn xung quanh đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn. Cũng trong năm này, ông là một trong những ngư dân tiêu biểu của tỉnh, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”.
“Bám biển từ lúc mới 17 tuổi cho đến khi ngoài 70 tuổi. Tôi thông thuộc biển cả như nhà mình. Trong cả cuộc đời mình, ngoài con tàu trị giá hơn 3 tỷ đồng mà tôi trao lại cho con trai, thì huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” cùng những tấm hình kỷ niệm với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa chính là tài sản quý giá nhất đối với tôi”, ông Xề cho hay.
Sóng cả không ngã tay chèo
Được trao huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” vào năm 36 tuổi, khi đang là thuyền trưởng của tàu làm nghề lưới chuồn ở ngư trường Trường Sa, ngư dân Bùi Tấn An (48 tuổi), ở thôn Định Tân, xã Bình Châu giờ đã phải bán tàu sau nhiều năm làm ăn thua lỗ. Song, không vì thế mà ông An rời biển về bờ. Hiện tại, ông An vẫn xin đi bạn trên những chiếc tàu làm nghề lưới chuồn ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Con trai của ngư dân Bùi Tấn An là Bùi Thanh Chung (29 tuổi) cũng nối nghiệp cha mình, một lòng gắn bó với nghề đánh bắt xa bờ tại Trường Sa.
“Lúc mới bán tàu, mọi người khuyên tôi nên sắm lại một chiếc tàu hoặc thúng nhỏ, rồi làm nghề biển gần bờ. Nghề biển gần bờ vậy chứ có ăn, mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng, có khi lên đến cả triệu đồng, lại được ở gần vợ, gần con. Nhưng chân tôi đã quen với ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa rồi. Có khó khăn thế nào, tôi vẫn muốn giữ lấy nghề đánh bắt xa bờ, bám lấy ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Vì vậy, tôi bỏ qua những lời khuyên ấy, rồi xin đi bạn cho các chủ tàu đánh lưới chuồn ở Hoàng Sa, Trường Sa”, ngư dân An bộc bạch.
Bước sang tuổi 65, thuyền trưởng Phạm Quang, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu vẫn mải miết cầm vô lăng, lái tàu thẳng tiến ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa để đánh bắt cá chuồn. Trong hơn 40 năm gắn bó với nghề biển, thuyền trưởng Phạm Quang không còn nhớ nổi số lần mà mình cùng các thuyền viên trên tàu gặp dông gió, sự cố bất ngờ. Lần gần đây nhất là vào cuối năm 2021, tàu của ông không may va phải chướng ngại vật trên biển rồi bị phá nước và chìm. May mắn được ứng cứu và trở về sau chuyến biển nhiều tổn thất, người dân làng biển Định Tân những tưởng ngư dân Phạm Quang sẽ nghỉ hẳn biển để ở nhà vui vầy cùng con cháu ở tuổi xế chiều. Ấy thế mà vị thuyền trưởng đã ngoài tuổi 60 này, vẫn can trường, mạnh dạn mua tàu mới, tiếp tục vươn ra ngư trường Trường Sa để săn cá chuồn, cá đỏ, cá hồng…
Mang theo ảnh Bác trong mỗi chuyến vươn khơi
Thuyền trưởng Phạm Quang, ở thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) luôn mang theo ảnh Bác trong mỗi chuyến vươn khơi. Theo thuyền trưởng Phạm Quang, xuất phát từ lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ – vị Cha già kính yêu của dân tộc, nên bên cạnh việc treo ảnh Bác tại nhà, ông còn kính cẩn mang ảnh Bác lên tàu, treo ở vị trí trang trọng, ngay khu vực buồng lái. Điều này được ông thực hiện và duy trì hơn chục năm nay.
|
Một lòng với biển
Ngư dân Võ Văn Đình (73 tuổi), ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) là một trong 4 cá nhân tiêu biểu của địa phương, được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”. Ở thôn Tân Thạnh, ông được các thế hệ ngư dân trẻ xem như “cây cao bóng cả”, là tấm gương đi biển can trường.
Ngư dân Võ Văn Đình (bên phải), ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cùng ngư dân Trần Dách vừa vá lưới chuồn, vừa chuyện trò về nghề biển. Ảnh: Ý THU |
Thời ông Đình vươn ra ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, chỉ với chiếc tàu công suất 55CV. Trang thiết bị trên tàu chưa có máy dò ngang, máy định vị, thiết bị thông tin liên lạc như bây giờ. Những tấm lưới chuồn ngày đó, cũng do chính tay ông cùng các thuyền viên tự đan, chứ chưa có lưới dệt sẵn như bây giờ. Vượt lên trên những khó khăn đó, ông đã bám biển và thông thuộc ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa như nhà mình.
Gia đình ông, từ chỉ một mình ông hiện diện tại Trường Sa, giờ đã có thêm 3 người con trai cùng người con rể và 3 tàu cá ngày đêm vươn ra ngư trường Trường Sa. Là một trong những gia đình có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ nhiều nhất ở làng chài Tân Thạnh, ông Đình luôn dặn dò các con mình, phải giữ nghề, giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Nghề lưới chuồn mấy năm nay khó khăn hơn trước rất nhiều. Có chuyến, tàu của con tôi bị lỗ 60, 70 triệu đồng. Trong làng, nhiều ngư dân bắt đầu rời biển để đi làm ở công ty, xí nghiệp, hoặc đi xuất khẩu lao động. Vậy nên, tôi luôn dặn dò, động viên các con xem ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là ngôi nhà thứ 2 của mình. Đừng vì những khó khăn nhất thời mà bỏ biển, rời ngư trường”, ông Định bộc bạch.
Ý thức được sự hiện diện của mỗi chiếc tàu ở vùng biển xa bờ chính là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên biển, những “Chiến sĩ Trường Sa” đặc biệt này, luôn là “ngọn đuốc soi đường”, nhắc nhở thế hệ ngư dân trẻ bám biển, vươn khơi và bồi đắp thêm tình quân dân thắm thiết.
Tàu làm nghề lưới chuồn của ngư dân làng chài Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh: Ý Thu |
“Mấy mươi năm gắn bó với ngư trường Trường Sa, tôi vẫn thường cho tàu ghé qua các đảo như Sinh Tồn, Song Tử Tây. Tình quân dân như cá với nước. Lần nào ghé, cán bộ, chiến sĩ trên đảo cũng cho ngư dân khi thì vịt, gà, khi thì rau xanh và đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu, ấm tình… Bởi vậy, khi giao lại tàu cho con trai mình là Trần Minh Vương làm thuyền trưởng, tôi luôn dặn dò con mình rằng, ngư dân chúng ta không đơn độc trên biển. Đồng hành cùng ngư dân luôn có lực lượng hải quân ngày đêm “canh cửa” cho Tổ quốc”, ngư dân Trần Dách (56 tuổi), ở thôn Tân Thạnh, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) bộc bạch.
Ý THU