SGGP
Năm 1968, với cương vị Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên, học sinh Sài Gòn, Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác (Tổng hội Sinh viên Sài Gòn), nhạc sĩ Tôn Thất Lập được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của sinh viên, học sinh Sài Gòn – Gia Định và phong trào đã lan rộng đến các đô thị miền Nam khi đó.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập |
Người nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết
Năm 1973, nhận nhiệm vụ hoạt động trong giới trí thức ở hải ngoại, nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp tham gia hoạt động trong phong trào sinh viên nơi đây. Có lần, anh kể, ngày 30-4, khi đang ngắm hoa tại vườn nhà, thấy nụ hoa quỳnh hé nở thì có điện thoại của Soeur Francoise Vandermeerch báo tin Việt Nam đã thống nhất. Anh lập tức đến nhà bà ở Paris 7, vừa ra khỏi metro thì nhiều người tiến về phía anh chúc mừng.
Theo anh, đó là kỷ niệm đẹp nhất không thể nào quên trong suốt cuộc đời. Ngay đêm hôm ấy, Hội người Việt Nam tại Pháp và bạn bè quốc tế mở dạ hội mừng chiến thắng, ca khúc Hướng về quê hương độc lập anh vừa sáng tác cùng nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo được hát ngay trong đêm này. Ca khúc với giai điệu đầy xúc cảm: “Chúng ta hướng về Tổ quốc thân yêu/Và sáng nay ta thấy lòng phơi phới/Phút giây rộn ràng Tổ quốc hoàn toàn độc lập/Từ bao năm bao anh hùng nằm xuống/Nhớ ơn Người từ thuở khai sinh… Miền Nam ơi miền Nam/Giờ núi sông hòa ca bài ca kết đoàn/Ta xóa tan hận thù…”.
Trở về nước sau ngày giải phóng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Nhà Nghệ thuật quần chúng thuộc Sở Văn hóa – Thông tin TPHCM. Chính ở nơi đây anh đã tiếp tục gắn bó với phong trào văn nghệ của thành phố, nhất là với phong trào sáng tác của sinh viên. Anh đến với CLB Sáng tác Trẻ Thành đoàn, hàng tuần sinh hoạt với các nhạc sĩ trẻ của phong trào tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM để truyền lại những kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo tác phẩm âm nhạc. Những câu chuyện đời, chuyện nghề anh tâm sự là những kiến thức quý báu giúp các nhạc sĩ trẻ thêm vững vàng trên con đường sáng tác âm nhạc.
Trọn đời sáng tác cho quê hương
Bên cạnh những ca khúc viết thời đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn – Gia Định trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe như Hát cho dân tôi nghe, Đồng lúa reo, Đêm hồng, Lúa reo trên khắp đồng bằng, Tiếng gọi sinh viên, Xuống đường, Hát trong tù… nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn nhiều bản tình ca viết từ những năm 1960 được nhiều người yêu âm nhạc yêu thích, như những bài trong tập Phố ca: Tiếng hát về khuya, Những con đường nhỏ…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn tiếp tục sáng tác nhiều ca khúc gắn với tình hình đất nước như Tình ca tuổi trẻ anh viết năm 1979 khi chiến tranh biên giới phía Bắc với lời ca mở đầu nhẹ nhàng đi vào giới trẻ: “Bài tình ca đầu tiên ra đời trên biên giới…”, hay lúc anh viết bài Trị An âm vang mùa xuân với nhịp điệu sôi nổi pop rock thúc giục thanh niên tham gia xây dựng công trình Thủy điện Trị An năm 1982. Anh cũng sáng tác nhiều bản tình ca được công chúng yêu nhạc ưa thích như: Tình ca mùa xuân, Mưa thì thầm, Tình yêu mãi mãi, Oẳn tù tì…
Đầu thập niên 90, nhạc sĩ Tôn Thất Lập cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Từ Huy đã thành lập nhóm nhạc sĩ mang tên Những người bạn, gồm các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Từ Huy, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện và Nguyễn Văn Hiên. Sau buổi ra mắt vào sáng 8-3-1992, nhóm đã tiếp tục tổ chức sân khấu ca nhạc tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM với tên gọi CLB Nhạc sĩ mà sau này trở nên quen thuộc với người yêu nhạc với cách gọi thân thương là Quán nhạc sĩ. Chính tại nơi đây, hàng trăm tác phẩm của nhóm Những người bạn đã được giới thiệu rộng rãi đến công chúng yêu nhạc.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập là người rất “kỹ” trong sáng tạo âm nhạc. Những ca khúc của anh ra đời trong một quá trình nghiền ngẫm kỹ lưỡng. Anh chắt chiu từng nốt nhạc lẫn ca từ, để lòng mình dạt dào cảm xúc rồi chọn những lời ca hài hòa với giai điệu. Anh rất thận trọng khi phổ biến một tác phẩm: ai hát và hát như thế nào, có đúng tâm trạng của tác giả gửi gắm qua những lời ca hay không. Anh sẵn sàng góp ý với ca sĩ để diễn cảm như thế nào cho thật tốt. Vì sự thành công của ca sĩ cũng chính là hiệu quả tốt nhất của tác phẩm mà người nhạc sĩ đã dày công sáng tạo.
Giờ đây anh đã ra đi! Người nhạc sĩ – cánh chim đầu đàn của một thời hát cho đồng bào tôi nghe không còn nữa!
Mùa mưa đang đến. Mưa vẫn thì thầm với lòng người ngưỡng mộ anh – một nhạc sĩ tài hoa luôn nặng lòng với đất nước, quê hương.
Xin thắp nén nhang mong anh an nhiên trong cõi vĩnh hằng.