Sau loạt bài báo Dân trí phản ánh về tình trạng bán chim hoang dã công khai tại một số địa điểm ở Hà Nội, chính quyền các địa phương đã ra quân xử lý tình trạng mua bán trái phép.
Tuy nhiên, sau vài ngày im ắng, tình trạng buôn bán các loại chim trời lại tái diễn. Các tiểu thương buôn bán kín đáo hơn để né tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Phóng viên Dân trí đã dành nhiều ngày ghi nhận, trực tiếp thâm nhập các điểm bán chim trời trên đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn qua thị trấn Quốc Oai, hướng từ Hòa Lạc về trung tâm Hà Nội.
Khác với trước đây, các hàng quán bán chim trời lui về hoạt động kín đáo, quây phủ bạt, luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Khi có sự xuất hiện của người lạ mặt, các tiểu thương rời đi chỗ khác hoặc nhanh chóng di chuyển vào trong lán tạm, khóa kín cửa.
Những lán tạm này được dựng tôn khá kiên cố và kín mít.
Khi có khách quen mua, các tiểu thương sẽ vào trong các lán tạm lựa hàng, sau đó đóng gói cẩn thận chim trời trong các túi bóng đen. Ngoài ra, một số tiểu thương “tập kết” chim trời ở địa điểm khác, khi có khách hỏi sẽ điều người về lấy hàng.
Quy trình này được diễn ra cẩn trọng, kín đáo, các tiểu thương đều “ngó trước, nhìn sau” mới giao dịch cho khách.
Chiều ngày 10/12, phóng viên đã tiếp cận được một tiểu thương tại chợ. Khi ngỏ ý muốn mua chim trời với số lượng lớn để làm cỗ, người này ghé tai phóng viên, khẳng định chắc nịch: “Chim trời, cá nước cái gì tôi cũng bán! Ở đây có đủ loại chim, gà, vịt các loại rồi chim diệc, cò, vạc, giang…”
“Chim giang, diệc giá từ 300.000-550.000 đồng/con. Chim vạc khoảng 150.000-250.000 đồng/con. Các loại cò, chim nhỏ có giá trên dưới 100.000 đồng/con…
Ăn gì thì chị gọi về nhà, chồng chị thịt cho. Ăn nhanh không hết mùa. Chị cam đoan chim diệc còn sống nhưng con này hơi nhỏ, chị lấy rẻ thôi. Quyết ăn nhanh, không thì thôi đi đi. Giờ công an làm gắt lắm, bị bắt là phạt vài triệu đồng. Mỗi con chị chỉ lãi hơn 100.000 đồng thôi”, người này nói.
Tiểu thương này cũng cho rằng, nếu muốn ăn luôn thì đợi 30 phút là có hàng, còn muốn mua nhiều có thể để lại số điện thoại để giao hàng tận nơi. Chim trời được tập kết ở một điểm khác, lán trại này chỉ bày bán gà, vịt.
“Cứ lưu số điện thoại, cần hàng gì thì gọi, có thể giao hàng tận nơi, ở đây không có hàng sống để tránh bị kiểm tra”, tiểu thương này nói và không quên mở điện thoại cho xem hình ảnh đủ các loại chim trời.
Khi phóng viên ngỏ ý về tận nhà để xem hàng tươi hay hàng đông lạnh thì người này cảnh giác, lập tức thay đổi thái độ, từ chối bán hàng.
Khi có một vị khách nam tấp xe vào lề đường, hỏi mua 3 con chim vạc, thấy là người quen, tiểu thương này vội vàng gọi điện về nhà chuẩn bị.
“Nếu ai hỏi thì bảo ngồi đây uống nước nhé. Tôi đi về lấy chim”, tiểu thương dặn dò vị khách.
Sau chưa đầy 20 phút, người phụ nữ này đi xe máy về nhà rồi trở lại với chiếc túi bóng buộc kĩ càng. Bên trong là ba con chim vạc được làm sạch sẽ, thui vàng. Người này cũng cho biết, để “né” cơ quan chức năng phát hiện, loại chim vạc sẽ bị chặt mỏ.
“Chặt mỏ rồi thì công an không nhận ra con gì mà phạt. Mai ăn gì cứ gọi điện cho chị, chim gì cũng có”, người này nói với vị khách.
Chia sẻ với phóng viên, một tiểu thương bán hàng ở đây tiết lộ, sau khi cơ quan chức năng ra quân, họ đã ký vào bản cam kết không bán hàng ở khu vực này cũng như không bán chim hoang dã.
Chợ chim trời này nằm trên địa bàn xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội.