Quán canh bún cô Chi tọa tại số 314 đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, xưa kia quen thuộc với người dân TP.HCM với cái tên ngã ba Ông Tạ.
Đây cũng là một quán ăn lâu đời trong khu vực, theo lời chủ quán thì thương hiệu canh bún cô Chi đã tồn tại ngót nghét 30 năm.
Canh bún chuẩn vị xưa
Khác với những tô canh bún miền Nam được biến tấu thêm huyết, ốc, giò heo… tô canh bún cô Chi chỉ có bốn nguyên liệu đơn giản: chả, rau muống, đậu khuôn chiên và thành phần không thể thiếu là riêu cua.
Lý giải cho sự khác biệt này, chủ quán giải thích rằng khi xưa gia đình cô làm nông, tô canh bún mẹ cô nấu hồi đó vốn chỉ có riêu cua đồng bắt ngoài ruộng và rau muống mọc ven mương, cô cũng tuân thủ công thức này.
Về sau, tô canh bún của quán chỉ có thêm chả Huế và đậu khuôn để đáp ứng nhu cầu khách, không thêm huyết, ốc, giò heo… vì sẽ làm thay đổi hương vị nước dùng.
Sợi bún gấc dai dai, nước dùng đậm đà và miếng riêu cua đậm vị là điểm nhấn của món canh bún cô Chi.
Ngoài ra, thay vì cắt đậu khuôn theo hình vuông thì quán thái lát mỏng và chiên vàng giòn, ăn rất lạ miệng, nhiều khách mê mẩn phải gọi thêm phần đậu 5.000 đồng ăn cho “đã”.
Quán cũng bán rất đắt hàng, chỉ thấy cô Chi hì hục làm từ tô này sang tô khác không nghỉ tay trong suốt quá trình trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Theo chia sẻ của cô, quán mở từ 12h trưa đến 6h tối nhưng thường chỉ sau vài tiếng đã hết hàng, có nhiều khách quen làm ở những công ty lớn mua một lần mấy chục phần.
Trên các hội nhóm sành ăn trên Facebook, chỉ cần nhắc tên canh bún cô Chi là sẽ có nhiều người dân sống trong khu vực quận Tân Bình vào khen nức nở. Có thể nói đây là một trong những tô canh bún chất lượng nhất tại TP.HCM trong tầm giá 30.000 đồng.
Thực hư danh tiếng bán canh bún vì đam mê
Một danh tiếng khác của canh bún cô Chi mà những người từng có dịp ghé qua thường truyền tai nhau là “chắc bà chủ chỉ bán vì đam mê”.
Lý do là quán nằm tại mặt tiền đường Phạm Văn Hai, vị trí khá đắt giá giao với đường Cách Mạng Tháng Tám, một trong những con đường huyết mạch TP.HCM nhưng giá mỗi tô canh bún đầy ắp riêu chỉ có 30.000 đồng.
Thậm chí, theo lời kể của khách quen, thời điểm trước dịch giá một tô chỉ dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng, do sau thời gian giãn cách giá cả biến động nên tăng lên 30.000 và giữ đến bây giờ.
Khi nghe đến danh “bán vì đam mê”, cô Chi chỉ vừa cười vừa nói: “Một nồi bún nuôi bảy miệng ăn đó con, làm gì có chuyện bán cho vui”.
Lý do quán cô bán rẻ là vì may mắn được ông bà để lại mảnh đất thổ cư, kinh doanh không tốn tiền thuê mặt bằng nên không cần phải đẩy giá lên cao.
Theo lời kể của cô chủ, từng có thời gian quán nghỉ bán tầm gần chục năm, cho thuê mặt bằng cho đỡ cực khổ nhưng cuối cùng vẫn quyết định bán lại vì nhớ nghề.
“Tưởng mình nghỉ khách quên hết rồi ai ngờ mở lại vẫn đông như thường” – cô Chi vừa cười vừa nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-bun-co-chi-noi-bun-nuoi-7-mieng-an-lam-gi-co-chuyen-ban-vi-dam-me-20240619055930004.htm