Cảnh báo từ hiện tượng bệnh nhân đột quỵ tăng cao: Chủ động phòng tránh, giảm áp lực cuộc sống
Không chỉ gây nguy hiểm về tính mạng, đột quỵ còn để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt, tinh thần của người bệnh. Các chuyên gia y tế cũng đã cảnh báo, bệnh đột quỵ có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Do vậy, mọi người cần chủ động tìm hiểu những cách phòng, tránh cũng như xử trí khi đột quỵ xảy ra, đồng thời nên giảm áp lực trong cuộc sống.
Tăng cường khuyến cáo bệnh đột quỵ gia tăng
Gần đây, ngành y tế đã tăng cường khuyến cáo về sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tăng huyết áp và đặc biệt là đột quỵ… Đây là những bệnh gây tử vong hàng đầu, để lại di chứng rất nặng nề.
Theo ghi nhận tại Khoa Thần kinh – Đột quỵ (BVĐK tỉnh), nơi tập trung điều trị bệnh nhân đột quỵ của tỉnh, số lượng bệnh nhân tại thời điểm hiện tại tăng từ 10 – 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 18 – 20 bệnh nhân, những ngày cao điểm lên đến 25 – 26 bệnh nhân. Với số giường bệnh hiện tại là 70 giường, chỉ cần 2 – 3 ngày bệnh nhân nhập viện cao như vậy sẽ lấp kín giường bệnh. Khi đó, Khoa buộc phải chuyển những bệnh nhân phù hợp sang các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa khác.
Ngày cao điểm, Khoa Thần kinh – Đột quỵ, BVĐK tỉnh tiếp nhận 26 bệnh nhân đột quỵ nhập viện. Ảnh: Đ. THẢO |
Lý giải về điều này, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Trung, Trưởng Khoa Thần kinh – Đột quỵ, cho biết: Lượng bệnh nhân tăng nhưng chưa thể khẳng định cụ thể, chính xác nguyên nhân vì sao tăng. Cũng có thể nhờ chúng ta đã tổ chức truyền thông tốt, nhận thức của người dân tốt lên, nên số lượng bệnh nhân đột quỵ chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời tăng hơn.
Hiện tượng bệnh nhân đột quỵ tăng cao cần đưa ra cảnh báo sớm. Để đảm bảo công tác xử trí, điều trị bệnh nhân đột quỵ kịp thời, Ban Giám đốc BVĐK tỉnh đã đưa ra nhiều phương án, như: Điều phối nhân lực phù hợp, hỗ trợ về chuyên môn, hỗ trợ nhân lực từ các khoa khác. Đồng thời, Khoa Thần kinh – Đột quỵ đã được xây mới và đầu tư thêm nhiều trang thiết bị hiện đại.
Phát hiện sớm, cấp cứu sớm
Anh Lê Văn Nui (ở huyện Tuy Phước) đang có mẹ bị bệnh đột quỵ được điều trị tại Khoa Thần kinh – Đột quỵ (BVĐK tỉnh), chia sẻ: Mẹ tôi 80 tuổi, có bệnh tăng huyết áp, sau khi mẹ tôi có dấu hiệu đột quỵ, chúng tôi lại nghĩ bà mệt do trời nắng nóng. Sau khoảng thời gian không đỡ, chúng tôi đưa mẹ đi viện thì đã trễ “giờ vàng”.
Trường hợp như của mẹ anh Nui ở trên rất đáng tiếc. Bệnh nhân đột quỵ được đưa đi cấp cứu kịp thời rất có lợi, vì lẽ nếu đến bệnh viện muộn thì khả năng được hưởng các phương pháp điều trị tối ưu đặc hiệu bị hạn chế rất nhiều. Hầu hết phương pháp đột quỵ ở hiện tại đều dành cho bệnh nhân đến bệnh viện sớm, đa số phải trước 4, 5 giờ hoặc trước 6 giờ đồng hồ.
Bác sĩ Trung thông tin thêm: Trong bệnh nhân đột quỵ, khoảng 80 – 85% bệnh nhân bị tắc nghẽn mạch máu não hay còn gọi là nhồi máu não. Đối với số lượng lớn bệnh nhân nhồi máu não, chúng ta sẽ có các phương pháp tái thông mạch máu. Thứ nhất, chúng ta có thể sử dụng thuốc tái thông đường tĩnh mạch như thuốc hoạt hóa plasminogen để truyền vào đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ hiệu quả đối với cục huyết khối nhỏ, gây tắc nghẽn những mạch máu nhỏ. Đối với trường hợp cục huyết khối lớn hơn, gây tắc mạch máu lớn, hiệu quả của những thuốc này mang lại rất thấp, chỉ 10%. Lúc này, chúng ta cần phương pháp cao hơn, đó là can thiệp nội mạch. Tuy nhiên, các phương pháp này đều làm cho bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não cấp, đến sớm.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh đột quỵ là một bệnh lý dựa trên rất nhiều yếu tố, đặc biệt là bệnh lý nền, kèm theo đó là stress, biến động thời tiết… Rất nhiều yếu tố quyết định trên bệnh nhân đột quỵ nên chỉ cần có một yếu tố nào đó thay đổi đột ngột đều có thể gây ra đột quỵ. Thời tiết quá nóng, chênh lệch nhiệt độ quá nhanh hoặc trời mưa lạnh bất ngờ đều có thể tác động rất mạnh đến bệnh nhân đột quỵ. Đặc biệt, việc kiểm soát tốt các bệnh lý nền, nhất là tăng huyết áp sẽ giúp giảm được bệnh nhân đột quỵ và đột quỵ tái phát.
ÐỖ THẢO