Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Rất nhiều nạn nhân nhẹ dạ, cả tin bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.
Nhận diện phương thức lừa đảo
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của Bộ Công an, hàng năm, toàn quốc xảy ra hàng nghìn vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu tội phạm, song loại tội phạm này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt rất lớn trong thời gian ngắn.
Nguyên nhân tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng là người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin. Một số bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nhẹ dạ cả tin, hám lợi… để tội phạm có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua nắm bắt tình hình, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao, theo lực lượng chức năng, có 4 phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng đang áp dụng. Thứ nhất, các đối tượng đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển, bỏ tiền tạm ứng hoặc thanh toán trước đơn hàng khoảng vài trăm nghìn để đặt hàng, sau đó nhận tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng.
Tuy nhiên, đến biên độ nhất định, các đối tượng dẫn dụ nạn nhân đến một đơn hàng lớn, sau khi thanh toán đơn hàng và đặt hàng, nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền tạm ứng hoặc thanh toán đơn hàng.
Thứ hai, các đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện qua giao thức VoIP để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP để xác thực chuyển tiền để kiểm tra, xác minh sau đó chiếm đoạt.
“Nhóm tội phạm này chủ yếu là tội phạm Trung Quốc, người gốc Phi, địa bàn hoạt động chủ yếu ở Campuchia. Lực lượng công an đã lần theo hình ảnh cuối cùng, phát hiện hình ảnh các đối tượng người nước ngoài rút tiền ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên việc truy nguyên, bắt giữ rất khó khăn” – đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói.
Ngoài ra, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội (gửi các đường link giả mạo bình chọn cuộc thi, quảng cáo tuyển dụng, làm việc tại nhà, các trò chơi giải trí trên mạng…).
Sau đó, nhắn tin lừa đảo đến danh sách bạn bè của người bị hại. Từ đó các đối tượng lừa đảo từ việc vay mượn tiền trong danh sách bạn bè của bị hại để chiếm đoạt tài sản.
Gần đây nhất, lực lượng công an phát hiện các đối tượng có hành vi thiết lập các trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Branname), gửi đường link lừa đảo để dẫn dụ bị hại đăng nhập, từ đó đánh cắp thông tin, tài khoản người dùng, sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Hoạt động tinh vi
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho hay thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao rất tinh vi. Đánh vào tâm lý một bộ phận người dân còn khó khăn, muốn tận dụng thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập, các đối tượng dẫn dụ nạn nhân lạc vào “ma trận” lừa đảo.
Gần đây, trên địa bàn Tam Kỳ xảy ra một hình thức lừa đảo khá tinh vi khác thông qua việc đặt chỗ nhà hàng cho khách “VIP”. Một người phụ nữ điện thoại cho quản lý nhà hàng lớn tại Tam Kỳ nói cần đặt bữa tiệc cho tầm 30 khách.
Sau khi thống nhất chọn hàng loạt các món cho bữa tiệc, người phụ nữ này nói sếp của mình chỉ thích uống loại rượu vang “Chateau Armaichal”. Sau khi liên hệ khắp Tam Kỳ không có loại rượu như vị khách yêu cầu nên quản lý nhà hàng gọi điện lại cho người phụ nữ trên. Lúc này, người phụ nữ này cho số điện thoại một địa chỉ để đặt mua từ TP.Đà Nẵng.
Sau khi liên hệ, một đối tượng khác yêu cầu phải chuyển khoản trước họ sẽ gửi rượu vào Tam Kỳ. Vì tin lời nên quản lý nhà hàng không nghi ngờ mà chuyển số tiền cho người bán rượu.
Đến chiều tối, khi tiệc đã sắp đến giờ nhưng vẫn chưa thấy rượu chuyển vào, quản lý nhà hàng gọi điện thì thuê bao đó không liên lạc được; tiếp tục liên hệ với người phụ nữ đặt tiệc, thì thuê bao cũng rơi vào trạng thái tương tự. Với thủ đoạn này, nhiều nhà hàng ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế bị các đối tượng gây thiệt hại hàng chục triệu đồng mỗi vụ.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa với các hình thức lừa đảo tinh vi của tội phạm công nghệ cao. Về nguyên tắc, cơ quan công an, viện kiểm sát không làm việc qua điện thoại, việc phong tỏa tài khoản ngân hàng chỉ được thực hiện bằng lệnh phong tỏa của cấp có thẩm quyền và cơ quan chức năng sẽ liên hệ trực tiếp ngân hàng, không làm việc với người dân qua điện thoại.
Ngoài ra, phải cẩn trọng với việc quét mã QR, đăng nhập vào các website cung cấp qua mạng xã hội, tin nhắn giả mạo. Việc chuyển tiền cho người thân, bạn bè vay mượn phải được xác thực bằng nhiều kênh như điện thoại trực tiếp, không liên lạc qua mạng xã hội và có cách thức xác minh an toàn để tránh bị lừa, không tin tưởng chuyển tiền ngay khi có yêu cầu “bất thường” thông qua mạng xã hội.