Phủ Thuận, thành phố công nghiệp từng phát triển mạnh ở Trung Quốc, đang là biểu tượng phản ánh tương lai đáng lo ngại của đất nước tỉ dân.
Thành phố Phủ Thuận (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc) từng là biểu tượng của sự phát triển kinh tế trong thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc.
Thế nhưng hiện tại, tình cảnh ở thành phố Phủ Thuận đại diện cho những thách thức to lớn mà quốc gia này phải đối mặt, bao gồm dân số già hóa nhanh chóng, tỉ lệ sinh thấp và tăng trưởng kinh tế trì trệ.
‘Vang bóng một thời’
Từng nằm trong top 10 thành phố công nghiệp nặng của Trung Quốc khi chiếm đến 50% sản lượng dầu mỏ và 10% lượng than cả nước, Phủ Thuận từng trải qua thời kỳ vàng son, thu hút lao động từ khắp cả nước đổ về.
Đồng thời Phủ Thuận cũng tự hào với “kỳ tích kép” khi vừa tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát dân số hiệu quả trong giai đoạn cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 trong bối cảnh chính sách một con được áp dụng khắp cả nước vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, kỳ tích kép này dần trở thành “khủng hoảng kép” từ những năm 2000 khi Trung Quốc chuyển đổi khỏi nền kinh tế dựa vào than đá, dẫn đến việc đóng cửa các mỏ.
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các mỏ than và nhà máy lọc dầu, vốn là động lực kinh tế của thành phố, đã đóng cửa. Với 1/3 dân số từ 60 tuổi trở lên, Phủ Thuận đang chìm sâu vào tình trạng suy thoái.
Sự suy thoái kinh tế và xã hội đã thúc đẩy làn sóng người trẻ rời bỏ thành phố để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở những khu vực phát triển.
Trong năm 2023, thành phố 1,7 triệu dân này chỉ ghi nhận 5.541 trẻ sơ sinh chào đời – con số đáng báo động khi so sánh với mức hơn 20.000 ca sinh ở quận Wayne, bang Michigan (Mỹ), nơi có dân số tương đương.
Dấu hiệu của sự già hóa hiện diện khắp nơi trong thành phố. Các trạm xe buýt xuất hiện quảng cáo nghĩa trang, trong khi taxi lại quảng cáo dịch vụ cấy răng dành cho người lớn tuổi, thay vì giới thiệu thông tin việc làm như trong quá khứ.
Những tòa nhà chung cư từng nhộn nhịp giờ trở nên trống vắng, đồng thời nhiều trường học đã được chuyển đổi thành viện dưỡng lão.
Những áp lực nhân khẩu học đang đè nặng lên thế hệ trẻ tại thành phố Phủ Thuận. Anh Wu Guolei (38 tuổi), chủ một tiệm ăn nhỏ, chia sẻ rằng anh chỉ kiếm được khoảng 15 USD mỗi ngày, trong khi chi phí học thêm cho con gái 10 tuổi ngày càng tăng.
Bức tranh tương lai của Trung Quốc?
Câu chuyện của thành phố Phủ Thuận không chỉ là vấn đề của riêng một khu vực mà còn là hình ảnh dự báo cho tương lai mà cả Trung Quốc phải đối mặt. Vào năm 2022, dân số Trung Quốc bắt đầu giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
Theo dự báo đến năm 2035 của Liên Hiệp Quốc, 30% dân số Trung Quốc sẽ trên 60 tuổi, giống như tình trạng hiện tại của thành phố Phủ Thuận.
Trong những năm kinh tế bùng nổ, chính sách một con được áp dụng nghiêm ngặt nhằm giảm gánh nặng nuôi dưỡng con cái và tăng năng suất lao động.
Tuy nhiên, hậu quả lâu dài của chính sách này là sự thiếu hụt nguồn lao động trẻ và áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc người cao tuổi, cũng chính là những gì đang diễn ra tại thành phố Phủ Thuận – nơi từng chứng kiến “kỳ tích kép” đáng tự hào.
Hiện trạng tại thành phố này là lời cảnh báo rõ nét về cái giá của tăng trưởng nhanh và chính sách nhân khẩu học sai lầm. Trong tương lai, chính quyền Trung Quốc cần tìm ra các giải pháp toàn diện hơn nếu không muốn những “Phủ Thuận” khác xuất hiện.
Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-bao-suy-thoai-tu-phu-thuan-mot-bieu-tuong-cua-su-phat-trien-kinh-te-trung-quoc-20241216173503341.htm