LTS: Nợ thuế, trốn thuế, buôn lậu, chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu… là những góc tối tại không ít doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Việc để lọt những doanh nghiệp có năng lực kinh doanh yếu kém này được cho là có nguyên nhân lớn từ khâu cấp phép.
Tuyến bài Góc khuất của các ‘đại gia’ xăng dầu do VietNamNet thực hiện mong muốn góp thêm tiếng nói nhằm lành mạnh hóa, sàng lọc thị trường xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sự phát triển của những doanh nghiệp xăng dầu chân chính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sàng lọc đầu mối xăng dầu
Trước những lùm xùm trên thị trường xăng dầu vừa qua, một chuyên gia xăng dầu nhìn nhận, khâu cấp phép và điều hành là gốc rễ của những bất cập phát sinh. Do đó, muốn hướng đến một thị trường xăng dầu ổn định hơn, bền vững hơn, công tác sàng lọc các thương nhân đầu mối phải được ưu tiên.
Vị này cho rằng, cần sửa quy định về các điều kiện để được làm thương nhân đầu mối xăng dầu. Đơn cử, một trong những điều kiện đó là cần có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu, dung tích tối thiểu 15.000m3, để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác.
Thế nhưng, Nghị định 83 lại cho phép kho này thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên.
Chuyên gia này nói thẳng: Đúng ra, phải yêu cầu thương nhân đầu mối có kho thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Bởi, từ trước đến nay, đầu tư kho xăng dầu là phải mua đất, xây dựng tốn kém nên các đầu mối muốn được cấp phép thường chọn cách thuê kho. Điều đó vô hình trung đã tạo ra một bộ phận doanh nghiệp đầu mối kinh doanh kiểu “ăn xổi”.
“Không nên cho doanh nghiệp đầu mối được phép thuê kho nữa, khi nào có hạ tầng mới được làm doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Họ cứ mượn đầu heo nấu cháo”, vị này bức xúc trước tình trạng quá nhiều thương nhân xăng dầu đầu mối yếu kém.
Năm 2020, khi góp ý cho việc sửa đổi Nghị định 83/2024 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đã lưu ý Bộ Công Thương nghiên cứu có quy định kiểm soát số lượng các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tránh phát triển quá nóng.
Bộ Công an cũng cảnh báo về tình trạng “trăm hoa đua nở” đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu vào thời điểm năm 2020, khi Bộ Công Thương có ý tưởng cho phép cả các cá nhân kinh doanh độc lập làm đầu mối xăng dầu.
Khi công tác sàng lọc doanh nghiệp đầu mối kỹ lưỡng thì những doanh nghiệp làm ăn bài bản sẽ trụ được trên thị trường. Họ có ý thức bảo vệ thương hiệu bằng cách đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống cũng như các nghĩa vụ thuế và có trách nhiệm với Quỹ bình ổn giá…
Chặn nạn trốn thuế bằng cách giám sát đầu ra
Đến thời điểm này, việc vì sao các doanh nghiệp như Vận tải thủy bộ Hải Hà, Xuyên Việt Oil… có thể nợ hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế, như VietNamNet đã phản ánh, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Ngăn chặn tình trạng nợ thuế, chây ì tiền thuế, thậm chí nguy cơ trốn thuế của không ít đơn vị xăng dầu đầu mối là việc phải tiến hành ngay.
Chia sẻ với PV. VietNamNet, ông Chung Thành Tiến, Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng (thuộc Hội Kế toán TP.HCM) chỉ rõ: Hiện các công ty xăng dầu là nơi ẩn chứa nguy cơ về gian lận thuế, vì phần lớn người dân đi đổ xăng không lấy hóa đơn. Chẳng những thế, họ còn tiếp tay cho nạn mua bán hóa đơn. Ngành thuế cần để mắt đến mảng kinh doanh xăng dầu để hạn chế rủi ro và thất thu cho ngân sách nhà nước.
“Giải pháp căn cơ là kiểm soát được lượng xăng dầu tiêu thụ của mỗi cây xăng trong 1 ngày – điều không hề khó. Kiểm soát được đầu ra thì đầu vào tự động lộ sáng, dễ dàng phát hiện lượng xăng dầu đầu vào là bao nhiêu”, ông Chung Thành Tiến góp ý.
“Ví dụ hôm nay cây xăng này bán 1.000 lít, nhưng hóa đơn đầu vào chỉ xuất có 500 lít, vậy 500 lít xăng kia từ đâu mà có? Cho nên thay vì kiểm soát trên hóa đơn, nên tìm một giải pháp khác tương tự các đơn vị bán lẻ, cửa hàng đang bắt buộc dùng hóa đơn điện tử. Nên chăng, chúng ta cũng áp dụng giải pháp đó ở các cây xăng”, ông đề xuất.
Khi góp ý sửa Nghị định 83 vào năm 2020, Bộ Công an cũng nêu thực trạng người tiêu dùng khi mua lẻ xăng dầu thường không lấy hóa đơn, nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở này để tuồn xăng dầu giả, xăng dầu lậu với số lượng lớn ra tiêu thụ.
Điển hình như vụ tiêu thụ 137 triệu lít xăng giả, 1,6 triệu lít dầu diesel giả của nhóm đối tượng Trịnh Sướng; vụ bắt giữ 2 triệu lít xăng giả tại Nghệ An,… Do đó, Bộ Công an từng đề nghị quy định bắt buộc kẹp chì niêm phong đồng hồ tổng các bể chứa xăng dầu và kết nối dữ liệu cột bơm bán hàng tại các cửa hàng, đại lý xăng dầu đến cơ quan thuế.
Thống nhất một đầu mối điều hành giá xăng dầu
Bộ Công Thương đã trình Chính phủ việc sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Góp ý cho dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá cho Bộ Công Thương. Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo việc nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo hướng Bộ Công Thương là đầu mối quản lý thống nhất.
Vốn am hiểu sâu sắc về thị trường xăng dầu, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, cho rằng: Quản lý xăng dầu đang rất lủng củng, có tình trạng bộ nọ đổ trách nhiệm cho bộ kia; khi giá lên, giá xuống, lúc đứt nguồn cung. Cho nên, giờ đây, cần tìm giải pháp để một bộ làm đầu mối quản lý cho hiệu quả.
Vậy bộ nào có thể đảm đương? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho hay: Bộ Công Thương đang quản lý về xăng dầu, từ khâu quy hoạch, xây dựng hệ thống kinh doanh xăng dầu, hệ thống cảng; quản lý về hạn ngạch, cấp hạn ngạch, cấp phép trở thành đầu mối…
Vì thế, bộ này hiểu rõ nhất sự vận hành hệ thống đó, gắn với các chi phí điều hành giá nên giao việc điều hành xăng dầu về Bộ Công Thương là hợp lý nhất.
“Bộ Tài chính quản lý chi phí kinh doanh xăng dầu nhưng có am hiểu cách kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu như Bộ Công Thương đâu? Bộ Tài chính chỉ nghe họ báo cáo, xong kiểm tra lại, tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu thì liệu có đúng hết không”, ông Nguyễn Tiến Thỏa đặt vấn đề.
“Đây không phải là chuyển trách nhiệm một cách vô căn cứ giữa bộ này và bộ kia, mà là tìm một bộ quản lý hiệu quả hơn. Rõ ràng, việc quản lý và điều hành vừa qua là không hiệu quả”, ông giải thích.
Chia sẻ với PV, đại diện Bộ Công Thương cho biết: Thời gian qua, Bộ Công Thương đã nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng về xăng dầu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Nhiều giải pháp cũng được thực hiện để từng bước ổn định thị trường xăng dầu. Ngoài ra, các văn bản liên quan đến quản lý xăng dầu cũng đang được sửa chữa, bổ sung để đảm bảo tốt nhất cho an ninh năng lượng trong giai đoạn tới. |
Bài 1: Góc khuất loạt ‘ông lớn’ xăng dầu: Nợ thuế nghìn tỷ, sếp bị đề nghị cấm xuất cảnh
Bài 2: Trăm tỷ Quỹ bình ổn xăng dầu bị chiếm dụng: Phớt lờ cảnh báo, nguy cơ mất trắng
Bài 3: Lép vế trước ông lớn xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ ám ảnh làm thuê 0 đồng
Bài 4: Cần chặn đứng nạn sân sau, ‘tay không bắt giặc’ trên thị trường xăng dầu