Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp bị tai biến sau tiêm meso phải nhập viện điều trị do tiêm những hoạt chất trôi nổi trên thị trường.
Nguy cơ làm đẹp bằng meso
Hiện nay, phương pháp tiêm mesotherapy (hay còn gọi là meso) để trẻ hóa da đang được nhiều người ưa chuộng. Mặc dù kỹ thuật tiêm này khá đơn giản nhưng vẫn có không ít trường hợp biến chứng.
Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp bị tai biến sau tiêm meso phải nhập viện điều trị do tiêm những hoạt chất trôi nổi trên thị trường. |
Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, meso là phương pháp xâm lấn tối thiểu để đưa các hoạt chất qua da và điều trị các vấn đề về da, cơ thể như giải quyết tình trạng lão hóa da, sạm da, tăng sắc tố da cũng như giúp giảm bọng mắt, rụng tóc, giảm béo…
Meso cũng là phương pháp làm đẹp dễ thực hiện và tương đối an toàn nếu được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn và tại bệnh viện, cơ sở làm đẹp uy tín, được cấp phép.
Ngược lại, nếu phương pháp này được thực hiện tại những spa, cơ sở không phải chuyên khoa da liễu với những người hành nghề không phải là bác sĩ có chuyên môn thì dễ xảy ra biến chứng.
Những ca biến chứng sau khi tiêm meso gồm, nhẹ thì bị sưng nhiễm trùng, nặng hơn là tồn tại những u hạt rất lâu và sau đó là tình trạng sẹo vĩnh viễn.
Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp bị tai biến sau tiêm meso phải nhập viện điều trị do tiêm những hoạt chất trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, người tiêm nếu không có kỹ thuật, không bảo đảm vô khuẩn, làm cho vùng tiêm nhiễm trùng.
Cùng với đó, bệnh nhân không được dặn dò kỹ hoặc không tuân thủ theo hướng dẫn sau tiêm dẫn đến việc không vô khuẩn vùng tiêm, bị tai biến.
Trong số các ca tai biến sau tiêm meso, bác sĩ Oanh ấn tượng nhất là một trường hợp bệnh nhân tiêm những chất không rõ nguồn gốc, bị loét da do nhiễm trùng, thậm chí tiêm nhầm sữa rửa mặt vào da, cuối cùng vùng tổn thương đó bị sưng nhiều, có khối cứng dưới da…
Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Oanh, có 2 loại biến chứng sau khi tiêm meso thường gặp, đó là biến chứng sớm trong vài ngày và biến chứng muộn sau vài tháng đến hằng năm.
Biến chứng sớm thường gặp là bầm da, chảy máu, phù nề, dị ứng, nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa, đau. Biến chứng muộn là tăng sắc tố sau viêm, u hạt, sẹo phì đại, sẹo lồi, trứng cá.
Để tránh gặp phải biến chứng, bác sỹ Nguyễn Ngọc Oanh lưu ý, những trường hợp chống chỉ định khi tiêm meso, đó là khi bị nhiễm trùng, dị ứng với các thành phần của thuốc, rối loạn về máu/đông máu, cơ địa sẹo lồi, có thai/cho con bú, mắc các bệnh tự miễn (lupus, xơ cứng bì), bệnh da viêm mức độ vừa hoặc nặng, các bệnh lý thần kinh, tăng huyết áp, đái tháo đường.
Ngoài ra, người có nhu cầu làm đẹp bằng meso cần lưu ý 5 nguyên tắc, gồm: Lựa chọn nơi làm đẹp an toàn; được tư vấn rõ về sản phẩm; trình bày rõ tiền sử, bệnh sử của bản thân; tuân thủ đúng lời dặn của bác sĩ sau thực hiện thủ thuật và tái khám đúng hẹn, khi có dấu hiệu bất thường.
Cũng về tai biến sau làm đẹp, mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp chị N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam) đến viện trong tình trạng áp xe vú hai bên do tiêm filler ngực.
Sau can thiệp hút filler, chị T. có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này vì quá đau đớn và lo sợ chị mới tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Một trường hợp khác bị tai biến thẩm mỹ phải vào cấp cứu điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là chị Đ.T.N (30 tuổi, Hà Tĩnh). Chị N. hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản.
Chị đi tiêm filler làm đẹp tại một cơ sở Spa chuyên làm đẹp da và móng tại Nhật Bản. Khi mới chỉ tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa.
Trước đó, trong tháng 6/2024, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc thủy ngân do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để điều trị nám da.
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, 5 bệnh nhân này đều sử dụng các loại kem tẩy nám có chứa hàm lượng thủy ngân gấp hàng nghìn lần so với ngưỡng cho phép. Khi sử dụng mỹ phẩm trôi nổi này, thủy ngân sẽ ngấm qua da và gây nhiễm độc cho người sử dụng.
“Nhiễm độc thủy ngân rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể như: Gây suy thận, tổn thương não (viêm não, rối loạn tâm thần); ảnh hưởng đến thị lực (mất thị lực, giảm khả năng nhìn hay phân biệt màu sắc)…”, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên dẫn chứng.
Thận trọng khi làm đẹp
Dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng số ca nhập viện do gặp phải những biến chứng nghiêm trọng của việc làm đẹp một cách tùy tiện, thiếu hiểu biết vẫn gia tăng trong thời gian gần đây.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, nhưng theo các chuyên gia y tế, người dân cần tỉnh táo và cẩn trọng khi lựa chọn các thủ thuật, cơ sở thẩm mỹ để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Liên tục tiếp nhận điều trị cho các ca tai biến, thẩm mỹ hỏng, PGS-TS.Lê Hữu Doanh, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương khẳng định, các tai biến liên quan đến làm đẹp chủ yếu do thực hiện tại cơ sở chưa được cấp phép, nhân viên thực hiện thủ thuật không phải là bác sỹ.
Rủi ro không chỉ đến từ việc phẫu thuật, mà các phương pháp làm đẹp khác như tiêm filler, botox, meso hay laser, peel da… đều có nguy cơ xảy ra tai biến. Khi nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, dịch vụ, thủ thuật tăng lên kèm theo biến chứng, tai biến của thẩm mỹ cũng tăng theo.
Từ việc tiếp nhận điều trị cho nhiều ca tai biến do tiêm chất làm đầy, TS.Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu trung ương cho rằng, nếu làm đẹp đúng chỉ định, do bác sĩ chuyên khoa thực hiện thì tỷ lệ biến chứng rất ít.
Tuy nhiên, trên thực tế, các ca tai biến, làm đẹp hỏng mà bệnh viện tiếp nhận điều trị phần lớn do người thực hiện không được đào tạo cơ bản. Họ chỉ “học lỏm” qua các khóa đào tạo bên ngoài, rồi quảng cáo, giới thiệu như chuyên gia và tùy tiện làm đẹp cho người dân.
Bác sĩ là người được đào tạo bài bản về cấu trúc giải phẫu, sinh lý… để biết vùng nào được can thiệp, vị trí nào phải thận trọng.
Chẳng hạn, với việc tiêm filler, bác sỹ Nguyễn Thị Hương Giang, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, khi người tiêm filler không phải là bác sỹ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ và nhất lại chỉ là nhân viên spa tiêm filler thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao.
Thuốc sẽ theo mạch máu đi vào não, nếu tắc mạch não gây đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng còn nếu tắc động mạch mắt nhất là động mạch trung tâm võng mạc thì sẽ gây mù mắt, diện tích da, cơ mỡ xung quanh phần cấp máu của các nhánh mạch quanh ổ mắt cũng sẽ vì thế mà hoại tử gây biến dạng nặng nề cho khuôn mặt.
Do động mạch trung tâm võng mạc không có các vòng nối phong phú như trên da nên một khi bị tắc hiện tượng hoại tử các tế bào thần kinh dẫn đến mù mắt sẽ diễn ra rất nhanh.
Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sỹ được đào tạo và có kiến thức đày đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề.
Bên cạnh đó, cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại với quy trình cấp cứu phối hợp đa chuyên khoa hoàn chỉnh để có thể cấp cứu cho người bệnh một cách hiệu quả nhất.
Hiện nay ngay cả trên thế giới mới chỉ chỉ có hai – ba trung tâm lớn có thể triển khai được quy trình cấp cứu đa chuyên khoa giúp người bênh có thể hồi phục thị lực do biến chứng mạch máu sau tiêm filler.
Do filler ngày càng được tiêm tràn lan và rất khó quản lý nên số lượng bệnh nhân gặp biến chứng mù mắt ngày càng tăng, ước tính có hàng trăm ca trên thế giới đã được ghi nhận.
Nguồn: https://baodautu.vn/canh-bao-nguy-co-khi-lam-dep-bang-phuong-phap-meso-d220477.html