Cảnh báo nguy cơ dị ứng thuốc ở người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền
Mới đây, một trường hợp dị ứng thuốc nghiêm trọng đã xảy ra với ông P.Q.G, 78 tuổi, sống tại Hà Nội. Trường hợp của ông G. là minh chứng về nguy cơ dị ứng thuốc ở người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền.
Theo thông tin từ gia đình, 2 ngày trước khi nhập viện, ông G. xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn và tiêu chảy. Chỉ một ngày sau, tình trạng của ông trở nên nghiêm trọng hơn khi cơ thể xuất hiện ban đỏ, nhanh chóng lan rộng toàn thân kèm theo ngứa ngáy dữ dội. Ông còn bị sốt cao, suy giảm ý thức và xuất hiện các vết loét do gãi.
Khi được đưa vào cơ sở y tế, ông G. được chẩn đoán theo dõi phản vệ nghi do dị ứng thuốc, nhiễm khuẩn huyết, suy gan và suy thận cấp. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để được điều trị tích cực tại Khoa Nội Tổng hợp.
TS.Trần Thị Hải Ninh, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, cho biết, bệnh nhân có tiền sử bệnh lý rất phức tạp, bao gồm suy đa tạng, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp và gút mạn tính. Những bệnh nền này đã làm tăng nguy cơ phản ứng phụ khi sử dụng thuốc điều trị.
Ảnh minh hoạ |
Sau gần một tháng điều trị liên tục và nghiêm ngặt, tình trạng sức khỏe của ông G đã dần ổn định. Các nốt dị ứng đã giảm bớt và ông đã qua giai đoạn nguy hiểm.
Để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm tương tự, TS.BS Trần Thị Hải Ninh khuyến cáo: bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc mới hoặc không rõ nguồn gốc.
Đối với người cao tuổi có nhiều bệnh nền, việc thăm khám định kỳ là rất cần thiết để phát hiện sớm và quản lý kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn.
Thăm khám định kỳ cũng giúp bác sỹ theo dõi tình trạng bệnh để điều chỉnh liệu pháp điều trị nếu cần và phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Theo các bác sỹ của Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.
Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi, tổn thương niêm mạc miệng gây khó khăn trong ăn uống, tổn thương da hoại tử diện rộng gây mất nước, mất dịch qua da và rất dễ nhiễm khuẩn da, gây nhiễm khuẩn huyết, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Để giảm và tránh nguy cơ dị ứng thuốc, các bác sỹ khuyến cáo người dân không tự ý sử dụng thuốc khi có bệnh, nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sỹ khám và kê đơn thuốc điều trị thích hợp, đồng thời tuân thủ phác đồ điều trị.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước… nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám lại.
Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, những thức ăn kiêng kỵ, chống chỉ định với thuốc, từ đó dễ gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Đó là chưa kể, việc điều trị tại nhà kéo dài không đúng bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém kinh tế.
Ngoài ra, việc tự ý dùng thuốc giảm đau cũng tai hại không kém. Thuốc giảm đau khiến bệnh nhân tưởng bệnh đã đỡ, nhưng thực ra bệnh vẫn tiến triển và hậu quả không thể lường hết được do chậm trễ trong việc mổ cấp cứu đối với các bệnh như viêm ruột thừa, viêm tụy cấp.
Bởi vậy, khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, cần đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, hiệu quả, tránh dẫn đến những hậu quả, biến chứng đáng tiếc.
Nguồn: https://baodautu.vn/canh-bao-nguy-co-di-ung-thuoc-o-nguoi-cao-tuoi-mac-nhieu-benh-nen-d222844.html