Trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận 2 trường hợp là mẹ con, ngụ xã Xuân Thọ (H.Xuân Lộc) bị ngộ độc sau khi ăn nấm mọc từ xác ve sầu.
ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang (Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) khám bệnh cho bệnh nhi P.H.T. bị ngộ độc nấm nguy hiểm. Ảnh: H.Dung |
Các bác sĩ cảnh báo, người dân tuyệt đối không ăn những loại nấm không rõ nguồn gốc; bởi ăn phải một số loại nấm độc có thể dẫn đến suy đa cơ quan và tử vong.
* Không có thuốc giải
ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, 0 giờ ngày 7-6, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi nam P.H.T., 12 tuổi, trong tình trạng bứt rứt, khi được hỏi thì trả lời từng chữ, rung giật nhãn cầu, rung giật cơ.
Theo người nhà bệnh nhân, chiều 6-6, bệnh nhi cùng mẹ ăn nấm mọc từ xác nhộng ve sầu. Đến 19 giờ cùng ngày, bệnh nhi có triệu chứng đau bụng, nôn ói, co giật toàn thân, trợn mắt, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh trong tình trạng lừ đừ, rung giật nhãn cầu.
Tại đây, các bác sĩ đã rửa dạ dày cho bệnh nhi, truyền dịch rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để tiếp tục điều trị.
Bệnh nhi được chẩn đoán ngộ độc nấm ký sinh trên nhộng ve sầu, được truyền dịch để tăng cường thải chất độc trong cơ thể ra ngoài. Do ngộ độc nấm mọc trên xác ve sầu không có thuốc giải nên các bác sĩ tập trung điều trị các triệu chứng cho bệnh nhi.
Đến chiều 7-6, bệnh nhi vẫn còn lơ mơ, không tiếp xúc được, còn rung giật cơ và nhãn cầu, phải ăn qua ống xông.
Trong khi đó, mẹ của bệnh nhi cũng ăn loại nấm trên nhưng ăn ít hơn nên tình trạng bệnh không nặng như con trai. Sau khi được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, bà N. (mẹ bé T.) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để tiếp tục điều trị.
BS CKII Lâm Hùng Hạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, đến nay sức khỏe bà N. đã cải thiện, tỉnh táo và đã có thể ăn cháo được.
* Nhiều người lầm tưởng là đông trùng hạ thảo
Những ngày gần đây, một số địa phương trong cả nước như: Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk, Lâm Đồng… liên tục ghi nhận những ca ngộ độc nấm mọc từ xác ve sầu. Trong đó có những ca rơi vào tình trạng nguy kịch.
Theo ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang, cách đây khoảng 5 năm, cũng vào mùa mưa, Khoa Hồi sức tích cực chống độc có tiếp nhận một số trường hợp ngộ độc nấm tương tự. Những bệnh nhân này sau đó ghi nhận có tổn thương về thần kinh. Bẵng đi vài năm, đến nay lại tiếp tục ghi nhận ca ngộ độc nấm này.
BS Trang cho biết thêm, trứng của ve sầu đẻ trong đất sau một thời gian sẽ phát triển thành ấu trùng (nhộng ve sầu). Nhộng ve sầu có thể nằm bên cạnh các bào tử nấm, bị nấm tấn công và sống ký sinh. Nấm sẽ thay thế các mô của vật chủ, hút chất dinh dưỡng khiến vật chủ chết đi và phát triển bên ngoài cơ thể vật chủ.
Nhiều người dân do kiến thức hạn chế, thấy cây nấm mọc trên xác ve sầu nghĩ rằng đó là đông trùng hạ thảo (một loại thực phẩm bổ dưỡng) nên đã lấy về ăn dẫn đến ngộ độc đáng tiếc.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi gặp xác nhộng ve sầu hoặc các loại nấm lạ, không rõ nguồn gốc thì không nên ăn. Nếu muốn sử dụng đông trùng hạ thảo để tăng cường sức khỏe, mọi người cần mua ở những nơi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuyệt đối không nên sử dụng các loại côn trùng, sâu bọ để làm thực phẩm hoặc làm thuốc, tránh nguy cơ bị ngộ độc, có thể dẫn đến tử vong.
Hạnh Dung
.