Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ 8 giờ ngày 23.8 đến 8 giờ ngày 24.8, tại các tỉnh vùng núi Bắc bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to đến rất to như: Tân Lập 1 (Hà Giang) 174,6 mm; Cần Yên 2 (Cao Bằng) 152 mm, Cấm Sơn (Lạng Sơn) 144 mm, Tân Phượng 1 (Yên Bái) 121 mm, Kỳ Tân (Thanh Hóa) 127 mm… là nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Cơ quan khí tượng cho biết, hiện nay độ ẩm đất một số khu vực thuộc các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Thanh Hóa đã gần bão hòa (trên 90%) hoặc đã bão hòa.
Trong 6 giờ tới, tại các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30 – 60 mm, có nơi trên 100 mm nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Các huyện, thành phố có nguy cơ cao như: Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên (Lào Cai); Vân Hồ, Phù Yên, Mường La, Sốp Cộp (Sơn La); Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu (Yên Bái); Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai, Bảo Yên, Bắc Hà (Lào Cai)…
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế – xã hội.
2 người chết, 1 người bị thương do thiên tai
Sáng cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lớn, sạt lở đất trong 2 ngày 22 – 23.8 tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bến Tre và TP.Thủ Đức (TP.HCM) đã gây thiệt hại về người và tài sản.
Theo đó, có 2 người chết (Bến Tre 1, TP.HCM 1); 1 người bị thương (Hà Giang); 145 nhà sập và hư hỏng; 79 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (Hà Giang 5 ha, Cao Bằng 74 ha); 3 điểm trường, 1 nhà văn hóa xóm bị sạt lở; 50 m kênh thủy lợi bị sạt; 7 tuyến đường giao thông bị sạt lở taluy, đất vùi lấp mặt đường, đến nay đã được thông tuyến.