Apple gửi cảnh báo khẩn người dùng iPhone
Apple đã gửi thông báo đến người dùng iPhone tại 92 quốc gia về rủi ro trở thành mục tiêu tấn công của các “mã độc đánh thuê”.
Trong cảnh báo phát đi, hãng viết: “Apple đã phát hiện bạn đang trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công mã độc nhằm giành quyền điều khiển từ xa iPhone có liên kết với Apple ID -xxx-”.
“Mã độc đánh thuê” là cách Apple đề cập đến những cuộc tấn công mã độc có sự hậu thuẫn của các chính phủ nhằm vào quốc gia đối địch.
Công ty cho biết, mặc dù không thể chắc chắn 100% khả năng xác định những cuộc tấn công, song cảnh báo là có cơ sở và đề nghị người dùng lưu ý “một cách nghiêm túc”.
Tháng 10 năm ngoái, Apple cũng gửi cảnh báo tương tự tới một số nhà báo và chính trị gia tại Ấn Độ. Sau đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế thông báo họ tìm thấy phần mềm gián điệp Pegasus của NSO Group trong iPhone của các nhà báo nổi tiếng tại quốc gia này.
TSMC nhận trợ cấp hơn 11 tỷ USD từ Mỹ
TSMC sẽ sản xuất những con chip hiện đại nhất tại Mỹ sau khi được chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết tài trợ tối đa 11,6 tỷ USD.
Xưởng đúc chip lớn nhất thế giới này cho biết sẽ xây thêm nhà máy thứ ba tại Arizona bên cạnh hai nhà máy khác đang trong quá trình xây dựng.
Nhà máy đầu tiên của hãng ở đây dự kiến hoạt động từ năm 2025 và sản xuất chip 4nm. Nhà máy thứ hai dự định sản xuất chip 3nm và 2nm vào năm 2028.
TSMC sẽ nhận được nhiều nhất 6,6 tỷ USD nguồn vốn trực tiếp từ chính phủ Mỹ và có thể vay thêm 5 tỷ USD.
Đây là khoản tài trợ tài chính lớn nhất của chính phủ Mỹ dành cho một nhà sản xuất chip nước ngoài cho đến nay.
Sau thỏa thuận mới nhất, TSMC đồng ý nâng tổng mức vốn đầu tư vào Mỹ hơn 60% lên hơn 65 tỷ USD từ 40 tỷ USD trước đó.
Lael Brainard, cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Biden, gọi cam kết sản xuất chất bán dẫn tối tân trên đất Mỹ của TSMC là “một chương mới cho ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ”.
Google gia nhập cuộc chiến chip cùng Amazon và Microsoft
Tại sự kiện Cloud Next tổ chức ngày 9/4, Google đã giới thiệu chip máy chủ mới, dự kiến lên kệ cuối năm nay.
Với con chip này, hãng tìm kiếm đang đi theo dấu chân của các đối thủ như Amazon và Microsoft.
Các “ông lớn” đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hạ tầng đám mây, nơi các tổ chức đi thuê tài nguyên ở các trung tâm dữ liệu xa xôi và trả tiền dựa trên mức độ sử dụng.
3/4 doanh thu Alphabet, công ty mẹ của Google, đến từ quảng cáo, nhưng mảng kinh doanh đám mây đang phát triển nhanh hơn và hiện chiếm gần 11% doanh thu của công ty.
Google nắm giữ 7,5% thị trường hạ tầng đám mây vào năm 2022, trong khi Amazon và Microsoft cùng kiểm soát khoảng 62%, theo ước tính của Gartner.
Chủ tịch Alibaba thừa nhận AI Trung Quốc đi sau Mỹ 2 năm
Đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Alibaba Joe Tsai nhận xét, Trung Quốc đi sau Mỹ 2 năm trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu, một phần do các hạn chế công nghệ của Washington.
“Trung Quốc có phần tụt hậu, rõ ràng”, ông Tsai nói và dẫn ví dụ OpenAI – nhà phát triển ChatGPT – đã vượt qua phần còn lại của ngành công nghệ trong đổi mới AI. Chủ tịch Alibaba đưa ra nhận định trong podcast với Nicolai Tangen, CEO ngân hàng đầu tư Norges Bank.
Ông Tsai chỉ ra các hãng công nghệ của Trung Quốc “có thể đi sau hai năm” so với các công ty AI hàng đầu ở Mỹ.
Các hạn chế xuất khẩu của Mỹ nhằm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến như các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) của Nvidia, “chắc chắn ảnh hưởng” đến các hãng công nghệ ở đại lục, bao gồm cả Alibaba.
Bình luận thẳng thắn của ông Tsai trong cuộc phỏng vấn phản ánh mối quan tâm của ngành công nghệ Trung Quốc nói chung về cách các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đang làm giảm đổi mới AI trong nước, cạnh tranh kém hơn trong lĩnh vực quan trọng này.